Họp báo Chính phủ thường kỳ: Ngành điện không để xảy ra sự cố tương tự

Ngày 26-5, Chính phủ (CP) đã họp phiên thường kỳ tháng 5, tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội (KTXH). Qua phân tích báo cáo của các bộ, ngành, CP thống nhất đánh giá KTXH tiếp tục chuyển biến đúng hướng, trong đó lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng giảm nhẹ 0,06% so với tháng trước (giống như hồi tháng 3, là tháng thứ hai có mức tăng CPI âm). Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, thị trường ngoại hối và tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng…

Tuy nhiên, CP nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Lãi suất cho vay vẫn còn cao, chênh lệch với lãi suất huy động chậm được thu hẹp. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, thu ngân sách Nhà nước chậm hơn cùng kỳ…

Thông tin chi tiết hơn về kết quả phiên họp cũng như giải đáp mối quan tâm của báo chí, ngày 26-5, Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam đã chủ trì họp báo.

Lạm phát lo, thiểu phát càng lo hơn

. Phóng viên:Thảo luận tại QH, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn về số liệu trong báo cáo KTXH của CP. CP có ý kiến gì?

+ Chủ nhiệm Văn phòng CPVũ Đức Đam:Tôi xin khẳng định CP luôn trung thực khi báo cáo với QH. CP nhìn nhận nghiêm khắc những khuyết điểm, yếu kém để rút kinh nghiệm, để làm tốt hơn. CP nhìn vào những kết quả không phải để tô hồng, không phải để tự thỏa mãn mà luôn nhìn nhận còn rất nhiều khó khăn và yêu cầu phải cố gắng hơn.

Họp báo Chính phủ thường kỳ: Ngành điện không để xảy ra sự cố tương tự ảnh 1

Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam trả lời các câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo. Ảnh: NM

Chúng tôi sẵn sàng tiếp thu những ý kiến, không chỉ về số liệu thống kê mà về tất cả hạn chế, kể cả những yếu kém, khuyết điểm của CP để rút kinh nghiệm. CP hết sức cầu thị, xin tiếp thu và sẽ xem xét tại sao có những số liệu không đủ cơ sở, mâu thuẫn nhau. Nếu do công tác thống kê còn có vấn đề gì thì sẽ chấn chỉnh.

. Cũng trong thảo luận về KTXH, có ý kiến cho rằng nguy cơ thiểu phát đã hiện hữu, cần tính toán nới lỏng chỉ tiêu vĩ mô, trong đó có mức khống chế bội chi ngân sách. Quan điểm CP thế nào?

+Hiện có cả ý kiến cho rằng nguy cơ thiểu phát hiện hữu và ngược lại là ý kiến cho rằng nguy cơ tái lạm phát vẫn còn, không được chủ quan cho dù CPI đã giảm. CP đương nhiên là lo, lạm phát cũng lo, thiểu phát cũng lo và như nhiều lần tôi đã nói, lạm phát như sốt nóng, thiểu phát như sốt rét, còn nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, cân nhắc các phân tích, CP xác định tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý.

Sự cố điện hậu quả rất lớn

. Trong tuần vừa qua xảy ra sự cố mất điện 22 tỉnh, thành phía Nam. Bộ Công Thương và EVN đã báo cáo, giải trình với CP thế nào?

+ Đây là sự cố từ trước tới giờ chưa có, các đồng chí ngành điện dùng thuật ngữ là “rã lưới”, để khắc phục không phải đơn giản, không phải mất một cái là có thể đóng lại được ngay. Hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội.

Đây cũng là một nội dung được đề cập trong phiên họp này của CP. Thủ tướng đã nghe ý kiến của Bộ Công Thương, yêu cầu Bộ Công Thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm. Đồng thời cũng yêu cầu ngành điện xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự.

Bộ Công Thương đã báo cáo, cho thấy ngoài nguyên nhân chủ quan do lỗi con người, còn có hạn chế khách quan của hệ thống điện. Miền Nam tiêu thụ nhiều điện nhưng nguồn tại chỗ lại chưa đáp ứng đủ, có những lúc phải nhờ 40% vào nguồn điện từ phía Bắc thông qua hệ thống truyền tải 500 kV, dẫn tới rủi ro cao. Đất nước của chúng ta trải dài, lưới điện chằng chịt, các đầu nối dẫn vào hệ thống 500 kV còn ít. Đúng ra với một mạng lưới mạng nhện chằng chịt lớn như vậy, chúng ta phải có nhiều đầu dẫn vào hệ thống, có nghĩa là tới đây chúng ta phải tăng cường đầu tư thêm các đầu nối dẫn vào đường dây 500 kV, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý.

Trong quy hoạch điện được duyệt đã tính hết các công trình này. CP cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương và ngành điện tích cực tìm các nguồn vốn đầu tư nhanh, bởi nếu không đầu tư nhanh, kịp thời, đất nước thiếu điện thì công nghiệp không phát triển, bởi điện như thức ăn của công nghiệp…

+ Thứ trưởng Bộ Công ThươngLê Dương Quang: Qua sự cố vừa rồi, điều đầu tiên chúng tôi có thể thấy được là tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500 kV. CP đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện nguyên nhân, tình trạng, cách khắc phục để đưa ra những biện pháp trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ hoàn thành báo cáo sớm để trình lên CP.

Để tránh những sự cố tương tự, chúng ta sẽ phải tìm mọi cách đẩy nhanh dự án nguồn điện ở khu vực phía Nam. Vì hiện nay khu vực phía Nam có nhu cầu về tiêu dùng điện cao hơn. Bên cạnh đó, phải tập trung đẩy nhanh triển khai một số công trình đường dây 500 kV đã được phê duyệt. Ngoài ra, phải tăng cường trách nhiệm tham gia bảo vệ lưới điện. Có hàng chục ngàn kilomet đường dây nên lực lượng của EVN khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương và người dân. Sự cố vừa rồi rất hi hữu, nếu tất cả địa phương, nhân dân, tổ chức, đơn vị tại nơi đường dây đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều.

Vay tiền dân để cải tạo quốc lộ 1

. Kỳ họp QH này, CP cũng sẽ kiến nghị cho phát hành trái phiếu để lấy nguồn đầu tư mở rộng quốc lộ 1. Vấn đề này đến nay được bàn thế nào và liệu có ảnh hưởng tới trần nợ công?

+ ÔngVũ Đức Đam:Có hai công trình rất quan trọng là cải tạo quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14), thuộc những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của cả nhiệm kỳ. Thu xếp vốn có hai nguồn. Với những đoạn đường có nhiều xe qua lại, sẽ dùng hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp đầu tư và thu hồi bằng quyền thu phí giao thông, ở mức hợp lý mà doanh nghiệp và người dân chấp nhận được. Với những đoạn còn lại thì phải huy động từ ngân sách.

Hiện tỉ trọng đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng thu ngân sách đang giảm dần, năm nay chỉ còn gần 19% (các năm trước 30%-40%). Để có nguồn cho các công trình lớn này, năm 2012 CP đã báo cáo và được QH chấp thuận cho phát hành trái phiếu, tổng giá trị gần 58.000 tỉ đồng. Nhưng nghị quyết của QH lại quy định đây là trái phiếu của doanh nghiệp do CP bảo lãnh, nên một năm qua không triển khai được và giờ phải xin chuyển thành trái phiếu CP.

Với lần phát hành này, như đã báo cáo QH năm trước, sẽ vẫn đảm bảo mức bội chi ngân sách không quá 4,8%.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm