Hơn hai năm thực hiện Luật Cư trú ở TP.HCM: quản lý trên giấy

Hơn hai năm thực hiện Luật Cư trú ở TP.HCM: quản lý trên giấy ảnh 1
Công an quận Tân Phú đang hướng dẫn cho người dân về các thủ tục nhập hộ khẩu. Ảnh: NHẪN NAM

Sửa điều kiện nhập hộ khẩu

Trong thời gian chờ có điều kiện để sửa Luật Cư trú, chậm nhất đến quý II-2010, các bộ, ngành liên quan thống nhất trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn chi tiết về quản lý cư trú. Theo đó, nghiêm cấm hành vi cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi, quy định cụ thể thời gian sinh sống tại nơi đăng ký, diện tích theo m2/người đối với nhà ở cho người khác nhập hộ khẩu. Sửa đổi điều kiện thời gian đối với người đã tạm trú được đăng ký thường trú.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại cuộc họp về thực hiện Luật Cư trú chiều 26-1

Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 mở ra điều kiện thoáng hơn cho người dân về đăng ký hộ khẩu vào các đô thị lớn. Qua hai năm rưỡi thực hiện, hàng trăm ngàn người đã được nhập hộ khẩu vào TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng luật còn kẽ hở gây khó khăn cho người làm công tác quản lý.

Theo quy định cũ, để được nhập hộ khẩu (HK) vào TP.HCM thì thời gian tạm trú phải năm năm, có việc làm lâu dài trong các doanh nghiệp và phải có xác nhận về việc này, đồng thời phải có nhà ở hợp pháp (phải đứng tên chủ sở hữu nhà). Trong khi đó, Luật Cư trú chỉ yêu cầu thời gian tạm trú là một năm, bỏ yêu cầu về điều kiện công việc. Riêng chỗ ở hợp pháp thì không bắt buộc phải đứng tên sở hữu nhà mà ở nhà thuê cũng được nếu chủ nhà đồng ý bảo lãnh.

Điều kiện thông thoáng hơn

Trung tá Tăng Châu Long, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Tân Phú, nhận xét: Quy định cũ về nhập HK hạn chế người dân ở tỉnh nhập cư vào các TP lớn. Luật Cư trú tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân, biểu hiện là từ khi luật ra đời đến nay, ở quận không ai còn đề cập đến vấn đề nhập HK nữa.

Trung tá Vũ Văn Ngọc, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Bình Thạnh, cũng cho biết Luật Cư trú đã giúp giải quyết cho những người từ trước đến nay không có HK thì nay được có HK. Theo thống kê của Trung tá Ngọc, gần 100 trường hợp như vậy ở quận Bình Thạnh được nhập HK. Đây là những người vì nhiều lý do mà trong các lần kê khai HK họ không làm, hoặc do đi kinh tế mới bị cắt HK ở địa phương rồi khi về không nhập được.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện Luật Cư trú (chiều 26-1), TP.HCM cũng cho biết tính đến cuối năm 2009 đã có gần 300.000 người ở địa phương khác được nhập HK vào TP.

Người một nơi, hộ khẩu một nẻo

Luật Cư trú cho phép đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng không quy định diện tích tối thiểu là bao nhiêu m2/người. Chính vì vậy nên xảy ra một số trường hợp một nhà cho nhiều hộ, nhiều người nhập HK dù thực tế những người này không cư trú tại đây. Thực trạng này cũng xuất hiện ở quận Tân Phú khi có người dân đăng ký HK nhưng không ở. Họ chỉ tới mượn chỗ để đăng ký HK, đảm bảo điều kiện để được đăng ký xong thì đi nơi khác sống.

Trung tá Phạm Văn Hồng, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Tân Phú, cho biết thực tế là có người đăng ký HK tại địa bàn đó mà cảnh sát khu vực không biết mặt, thậm chí chính bản thân người đó còn không biết nhà mình đăng ký đó như thế nào, cửa sơn màu gì.

Theo Trung tá Vũ Văn Ngọc, nhu cầu người dân nhập HK về quận này khá cao, trung bình một ngày công an quận tiếp nhận hơn 100 hồ sơ. Nhưng cũng vì vậy mà đã phát sinh chuyện nhiều người lợi dụng việc bảo lãnh ở nhờ để nhập HK. “Hiện nay, hầu hết người được bảo lãnh đều lập hộ riêng nên được tách sổ HK cầm đi, vì vậy nhiều khi chủ nhà cũng không biết rõ về họ. Việc HK một nơi, người một nẻo làm công tác quản lý của cảnh sát khu vực gặp khó. Thay vì HK ở đâu người ở đó thì cảnh sát khu vực biết mặt người có HK ở địa bàn mình để dễ liên hệ, quản lý. Chứ còn để HK một nơi, người một nẻo thì chỉ quản lý được trên giấy” - ông Ngọc nói.

Tiêu điểm

40.000

trường hợp có hộ khẩu ở quận Tân Phú nhưng thực tế đang sinh sống ở nơi khác.

Nhà 5 m2 bảo lãnh 20 hộ

Cuối tháng 11-2009, Công an quận Bình Thạnh phát hiện một trường hợp ở phường 12 bảo lãnh cho 20 hộ vào nhập hộ khẩu nhưng giấy tờ nhà của người đứng ra bảo lãnh thể hiện diện tích nhà chỉ có 5 m2!

Đầu tháng 2-2008, Công an quận Tân Bình đã kiểm tra, lập biên bản một trường hợp vì đứng ra bảo lãnh chín hộ với 21 người nhập hộ khẩu vào nhà mình. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất của chủ nhà có diện tích 81,6 m2.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm