Hội nghị cấp cao ủy Hội sông Mê Kông thông qua tuyên bố TP.HCM

Tuyên bố trên được đưa ra trong hội nghị cấp cao lần thứ hai MRC diễn ra tại TP.HCM hôm nay (ngày 5-4). Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chưa bao giờ lưu vực sông Mê Kông đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Nhu cầu gia tăng năng lượng, lương thực tạo thêm áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước, môi trường sinh thái cho lưu vực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị cấp cao. Ảnh: Tuệ Doanh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá lưu vực sông Mê Kông là một trong năm lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Cụ thể, sông Mê Kông đoạn chảy qua thủ đô Viên Chăn (Lào) mười năm qua khô hạn đến mức có thể lội qua sông trong mùa khô. Còn ở Thái Lan, con sông Chao Praya vốn hiền hòa đã xảy ra lũ lớn, gây thảm họa lũ lụt trong nhiều tháng liền hồi năm 2011. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam nước mặn sâu tận Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) là điều chưa bao giờ xảy ra.

“Sông Mê Kông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng như an ninh lương thực trong lưu vực. Đồng bằng Cửu Long có diện tích trên 40.000 km2 là nơi sinh sống của 20 triệu dân, hàng năm đóng góp đến 27% GDP cả nước với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này hiện đang chịu tác động của biến đổi khí hậu và sự phát triển các công trình ở thượng nguồn, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu người dân trong lưu vực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông cần ưu tiên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mê Kông năm 1995 cũng như các quy định của MRC về sử dụng công bằng, hợp lý tài nguyên nước, trong đó có thông báo trước và thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc ra quyết định phù hợp đối với các dự án phát triển tài nguyên nước trong lưu vực; đẩy mạnh nghiên cứu các tác động các dự án thủy điện trên dòng sông chính Mê Kông… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nói: “Chính phủ Việt Nam đã chủ động nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ Lào và Campuchia đã cam kết cùng tham gia nghiên cứu và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để sớm có kết quả vào cuối năm 2015”.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng cho rằng, bốn nước thành viên Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia cần tập trung vào thực hiện những quy định chung về sử dụng nguồn nước mà các nước đã cam kết để quản lý bền vững về dòng Mê Kông.

Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tiếp tục khẳng định sự đoàn kết giữa các thành viên và cam kết thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực Mê Kông năm 1995 và các quy định, thủ tục của MRC. Các nước thành viên cũng cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, tăng cường vai trò của MRC hướng tới việc quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mê Kông. Tuyên bố xác định sáu lĩnh vực hoạt động ưu tiên và sáu định hướng trong giai đoạn tới. Các thành viên cũng nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các sáng kiến khu vực và quốc tế có liên quan. 

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm