Hải phận quốc tế và đáy đại dương

Theo Điều 86 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, biển cả là “tất cả những vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo (archipelagic state)”. Hiện nay ở biển Đông có hai quốc gia quần đảo là Indonesia và Philippines.

Khuynh hướng của các nước phát triển thường không tán thành việc thu hẹp biển cả để tạo điều kiện cho phạm vi hoạt động về mọi mặt của họ được tự do, rộng rãi. Trong khi đó, các nước có biển thì luôn đấu tranh đẩy biển cả ra xa hơn để hạn chế hoạt động của các nước phát triển.

Theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì ở vùng biển cả, tất cả các nước (quốc gia có biển hay không có biển) đều được hưởng quy chế tự do biển cả. Không quốc gia nào có thể đòi đặt một cách hợp pháp một bộ phận nào đó của biển cả thuộc vào chủ quyền của mình.

Tự do biển cả bao gồm: tự do hàng hải; tự do hàng không; tự do đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm dưới biển; tự do xây dựng các đảo nhân tạo và các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép; tự do đánh bắt hải sản; tự do nghiên cứu khoa học.

Tàu thuyền hoạt động trên biển cả đều phải mang cờ của quốc gia mà mình mang quốc tịch. Tàu thuyền của quốc gia nào thì thuộc quyền tài phán của quốc gia đó.

Bảo vệ vùng biển đảo. Ảnh tư liệu
Bảo vệ vùng biển đảo. Ảnh tư liệu

2. Phạm vi bên dưới biển cả (đáy đại dương) luật quốc tế gọi là Vùng (the Area). Vùng là đáy biển, đáy đại dương và lòng đất của chúng, ở ngoài thềm lục địa của các nước. Vùng và tài nguyên nằm dưới đáy biển cả và lòng đất dưới đáy biển cả, là di sản chung của nhân loại. Ở đó, không một quốc gia nào có thể đòi hỏi thực hiện chủ quyền hay quyền chủ quyền đối với một phần nào đó của Vùng hoặc đối với tài nguyên của Vùng.

Toàn thể loài người mà tổ chức Cơ quan quyền lực (the Authority) là người thay mặt, có tất cả các quyền đối với các tài nguyên của Vùng. Việc thăm dò và khai thác tài nguyên của Vùng đều phải được thông qua Cơ quan quyền lực quốc tế ấy.

Tóm lại, tính theo thứ tự từ bờ biển đi ra thì nội thủy là vùng nước nằm trong đường cơ sở, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và tuyệt đối (coi như đất liền); lãnh hải là vùng biển nằm ngoài đường cơ sở, không quá 12 hải lý, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ nhưng không tuyệt đối (vì tàu thuyền nước khác có quyền qua lại không gây hại), hết lãnh hải là hết chủ quyền lãnh thổ của quốc gia ven biển.

Ra ngoài lãnh hải là vùng đặc quyền kinh tế (không quá 200 hải lý); dưới đáy vùng đặc quyền kinh tế là thềm lục địa (không quá 200 hải lý, có nơi mở rộng tới 350 hải lý). Ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, quốc gia ven biển chỉ có một số quyền chủ quyền đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và quyền tài phán quốc gia...

Xa khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là hải phận quốc tế, biển tự do. Nói là “tự do” nhưng không phải “muốn làm gì thì làm” mà quốc gia nào muốn đến đó thăm dò, khai thác tài nguyên đều phải làm thủ tục với Cơ quan quyền lực - một tổ chức thay mặt cho cộng đồng quốc tế.

LS.TS. PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm