Hai năm thực hiện Luật BHXH: DN “lờn luật” vì phạt nhẹ

Sáng qua (26-3), hội thảo đánh giá hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại diện nhiều cơ quan BHXH địa phương đã bày tỏ băn khoăn về việc mức phạt dành cho các doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH còn nhẹ, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài.

Nộp phạt rồi... vi phạm tiếp!

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết vì mức xử phạt nhẹ nên tại Thanh Hóa, có những doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt nếu bị phát hiện rồi sau đó lại tiếp tục vi phạm. Ngoài ra, ông Sơn cho rằng Luật BHXH chưa quy định chế tài đối với hành vi kê khai lao động không đúng với thực tế sử dụng nên nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách kê giảm số lao động thực, giảm tiền lương thực trả cho người lao động để “né” đóng BHXH.

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cũng cho rằng mức phạt cao nhất đối với vi phạm pháp luật về BHXH hiện nay chỉ 20 triệu đồng là chưa hợp lý. “Mức phạt thấp và đổ đồng như vậy không có tính răn đe với doanh nghiệp. Doanh nghiệp gian lận hàng chục tỷ đồng cũng chỉ bị phạt ngang với doanh nghiệp gian lận vài trăm triệu đồng, như vậy không công bằng” - bà Nga nói. Theo bà Nga, mức phạt nên tính theo tỷ lệ phần trăm số tiền doanh nghiệp không đóng hoặc đóng không đủ.

Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, đưa ra nhiều dẫn chứng thực tế về các trường hợp doanh nghiệp chây ỳ không đóng BHXH. Ông Sang cho biết: “Việc khởi kiện các doanh nghiệp cố tình vi phạm là biện pháp để tỏ thái độ kiên quyết đối với hành vi xem thường pháp luật nhưng nhiều khi chỉ có tác dụng với doanh nghiệp muốn tiếp tục hoạt động, muốn giữ uy tín thương hiệu. Trong số tám doanh nghiệp chúng tôi khởi kiện vừa qua, có bốn doanh nghiệp khắc phục hết số nợ, bốn doanh nghiệp còn lại thì chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc không chấp hành quyết định thi hành án, chỉ trả một phần nhỏ trong tổng số nợ với quỹ BHXH”.

Đề nghị xử lý hình sự

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - ông Mai Đức Chính cho rằng nếu hành vi vi phạm pháp luật BHXH đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng hơn thì phải được coi là vi phạm hình sự để có chế tài kiên quyết hơn. Ông Chính cũng kiến nghị cần bổ sung quy định tổ chức công đoàn có quyền đại diện tập thể người lao động khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Cao Văn Sang cũng cho rằng Luật BHXH không đề cập đến vai trò của cơ quan BHXH trong việc khởi kiện người sử dụng lao động nếu thấy có hành vi vi phạm pháp luật BHXH. “BHXH TP.HCM kiện là theo luật dân sự chứ trước giờ chưa có tiền lệ” - ông Sang cho biết.

Theo ông Sang, khi thụ lý hồ sơ vụ kiện liên quan đến BHXH, tòa án có biểu hiện lúng túng, thụ động, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian tố tụng, làm cho số nợ của doanh nghiệp tiếp tục tăng lên. Đến khi tuyên xử thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng để trả nợ BHXH mới phát hiện tài khoản còn rất ít tiền.

Một điểm gây vướng mắc trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động là BHXH chỉ có thể phát hiện các vi phạm của doanh nghiệp nhưng không có quyền xử lý vi phạm. Ông Cao Văn Sang cho rằng: “Để bảo vệ quyền lợi người lao động thì một mình cơ quan BHXH không thể làm có hiệu quả được, nhất là khi các doanh nghiệp cố tình vi phạm”.

Nợ BHXH hàng năm có xu hướng giảm. Năm 2006, trước khi thực hiện Luật BHXH, tỷ lệ nợ BHXH là 7,2% số phải thu. Tính đến 31-12-2008, tỷ lệ này chỉ còn 5,4%. Tuy nhiên, so sánh từng lĩnh vực, địa bàn thì còn nhiều đơn vị nợ BHXH, cá biệt có đơn vị nợ kéo dài hàng năm.

Tại TP.HCM, năm 2008 chỉ có khoảng 46% đơn vị nộp BHXH hàng tháng đúng quy định. Có 83 đơn vị nợ BHXH từ một năm trở lên với tổng số tiền là 54,2 tỷ đồng, trong đó có 36 đơn vị có số nợ BHXH từ một tỷ đồng trở lên.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm