GS-TS Vũ Đình Bách: Tăng lương phải tính kỹ thời điểm

Đoàn cán bộ của Hội đồng tư vấn kinh tế Mặt trận tổ quốc Việt Nam hiện đang khảo sát ảnh hưởng của lạm phát đến đời sống người dân tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương. “Trượt giá lớn đã làm người dân có thu nhập trung bình không còn tích lũy” - ông Vũ Đình Bách (ảnh)- Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh tế nói.

Giá tăng nhanh, lương ì ạch

. Ông có thể cho biết những thông tin ban đầu từ cuộc khảo sát?

GS-TS Vũ Đình Bách: Tăng lương phải tính kỹ thời điểm ảnh 1+ Tôi vừa đến một khu dân cư ở quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng). Tổ trưởng tổ dân phố ở đó cho biết: Trước khi lạm phát, mỗi tháng một gia đình bốn người thu nhập bình quân bốn triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, họ còn tiết kiệm được 200-300 ngàn đồng. Nhưng từ năm 2005 đến nay, lạm phát tăng, lương của họ vẫn vậy. Các gia đình đã chi tiêu hết, không có tích lũy. Cứ đà tăng giá này mà lương không tăng thì gay go quá. Điểm chúng tôi khảo sát là mức thu nhập trung bình, hầu hết là cán bộ, công nhân viên.

. Người dân kiến nghị như thế nào, thưa ông?

+ Người dân kiến nghị Chính phủ tăng cường quản lý đảm bảo giá cả ổn định. Thứ hai, dân đề nghị cần tăng các chính sách hỗ trợ để đảm bảo điều kiện học tập cho trẻ em, đặc biệt các em đi học mẫu giáo và sinh viên bậc ĐH. Nhiều người cho biết trước kia họ chỉ phải chi 300 ngàn đồng/tháng cho một đứa con học mẫu giáo, nay phải tới 500-600 ngàn đồng/tháng. Một bà mẹ cho biết người con đi học ĐH trước đây chỉ tiêu hết 700 ngàn đồng/tháng, nhưng giờ bà phải gửi trên một triệu đồng, vì trường không đủ chỗ ở cho sinh viên nên các em phải thuê nhà trọ.

Tính kỹ thời điểm tăng lương

. Vậy theo ông, việc đẩy nhanh lộ trình tăng lương vào thời điểm tháng 10 như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động có thích hợp không?

+ Theo con số chính thức thì lạm phát riêng năm nay là khoảng 25%. Nếu lạm phát như vậy, lương một triệu đồng thì “mất đi” 250 ngàn đồng. Thế thì cái gì bù vào đấy nếu không phải là lương?

Vấn đề là cần tính toán thời điểm tăng lương. Nếu tăng lương vào dịp sắp Tết, ai cũng phải tiêu dùng, người bán nhân cơ hội tăng lương sẽ tăng giá thì ý nghĩa việc tăng lương sẽ không còn.

. Khi báo chí đưa thông tin về tiền lương, nhiều ý kiến e ngại là chỉ cần nghe tin “sẽ tăng lương” thì giá cũng tát nước tăng theo?

+ Hiện nay giá không cần chờ dư luận thì cũng đã tăng rồi. Thông tin tăng lương có thể cần giữ bí mật, tuy nhiên bây giờ giá đã tăng cao đến mức người bán cũng hiểu rằng tiếp tục tăng lên thì người mua sẽ không mua nữa.

Cần quản tốt an sinh xã hội

. Nhiều cơ chế khác của an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm cho người thất nghiệp đang được triển khai. Tuy nhiên nguồn thu cho việc triển khai các cơ chế này còn đang gặp khó khăn. Ông có đề xuất gì?

+ Không thể đỗ lỗi cho nền kinh tế chưa phát triển mà không thực hiện được các biện pháp an sinh xã hội. Vấn đề là khả năng quản lý.

Thuế là một trong những nguồn thu chính của ngân sách có thể tạo nguồn tài chính cho an sinh xã hội. Tại sao ở nước ngoài có những người thất nghiệp, người làm nghề mại dâm cũng chịu đóng thuế thu nhập? Bởi vì họ biết rằng từ nguồn thuế đó họ sẽ được hưởng các chính sách an sinh.

Tôi cho rằng vai trò của nhà nước rất quan trọng. Hiện nay các lợi ích của an sinh xã hội nhiều khi được phân phối chưa được công bằng. Đơn cử như việc đi học: kinh tế tăng trưởng, thu ngân sách tăng, nhiều trường học được xây dựng. Tuy nhiên con cái người nghèo vào PTTH đã khó, vào ĐH càng khó hơn. Nếu như chúng ta triển khai tốt chính sách miễn học phí, hỗ trợ học bổng, cho vay đối với học sinh nghèo thì nguồn đầu tư cho an sinh xã hội mới đến đúng tay người nghèo.

. Xin cảm ơn ông!

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm