Góp ý sửa BLHS: Giữ án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ

Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã mời đại diện công an, VKS, TAND TP, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường... góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS.

Tham ô, hối lộ: Giữ án tử!

Theo tờ trình của Bộ Tư pháp, trong dự luật sẽ bỏ án tử hình đối với 12 tội danh, trong đó có hai tội tham ô tài sản và nhận hối lộ. Đây là điểm mà các đại biểu phản đối nhiều nhất tại buổi tọa đàm.

Chánh án TAND TP Bùi Hoàng Danh “phát pháo”: “Cả nước đang đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, chúng ta lại bỏ hình phạt tử hình với hai tội này là chưa ổn. Tham nhũng diễn biến phức tạp, phải giữ án tử để răn đe”. Đồng tình, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Nguyễn Đăng Trừng nói: “Chúng ta bị liệt vào nước có nạn tham nhũng cao. Cả nước đang quyết tâm đẩy lùi quốc nạn này, không nên bỏ án tử”.

Đại diện Công an TP cảnh báo: “Nhân dân đóng thuế để nhà nước điều tiết, phát triển kinh tế nhưng cán bộ lợi dụng chức quyền tham ô, không những gây thiệt hại tài sản mà còn lấy đi cái quý nhất là niềm tin của nhân dân. Vì thế cần trừng trị nghiêm, không nên bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô và nhận hối lộ”...

Giáo sư Trần Đông A thì ví von: “Tại các nước, có câu nói “Có tiền mua tiên cũng được”. Nếu chúng ta mà bỏ án tử hình với loại tội này, hậu quả lớn lắm đấy!”. Đại diện VKS quân sự Quân khu 7 cũng thiết tha: “Trước khi đến đây, anh em trong cơ quan nhắn rằng phải thuyết phục các đại biểu Quốc hội là giữ cho được hình phạt tử hình với hai tội trên”...

Ô nhiễm môi trường: Cụ thể hơn để khởi tố

Vấn đề gây ô nhiễm môi trường nhưng khó xử lý hình sự cũng được các đại biểu mổ xẻ. Theo ông Danh, môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng, luật hiện hành cũng quy định 10 tội danh về môi trường nhưng thực tế chưa có ai bị khởi tố cả bởi cấu thành tội phạm của loại tội này còn chung chung. Ông Danh cho rằng luật cần xác định hậu quả như thế nào là nghiêm trọng, đưa ra “định lượng” cụ thể như ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai... ra sao thì khởi tố chứ cứ chung chung là không ổn.

Bà Ung Thị Xuân Hương (Sở Tư pháp TP) hiến kế: Luật nên đưa vào trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức hoặc người ra quyết định làm ô nhiễm môi trường...

Giáo sư Trần Đông A bức bối: “Môi trường mà nhiễm độc, có khỏe như voi cũng chết! Chúng ta đang phải đối diện với bài toán kinh tế và môi trường. Nếu chỉ chú trọng kinh tế mà không bảo vệ môi trường là chúng ta đang đầu tư mạo hiểm”. Ông dẫn chứng: “Ở Nhật, phải mất 12 năm họ mới tìm ra nguyên nhân của bệnh não nhỏ, bệnh tim bẩm sinh là vì các nhà máy thải chất thủy ngân ra môi trường. Hoặc việc bán heo bệnh, gà thối... là hành vi “sát nhân sinh học”, phải xử lý hình sự chứ không nên đợi đến khi có hậu quả xảy ra”.

Ở góc nhìn khác, đại diện Công an TP cho rằng để xử lý tội phạm về môi trường thì cần có định lượng về mức thiệt hại nghiêm trọng nhưng phải có lộ trình, bước đầu chỉ cần phạt tiền thật nặng là được.

Nâng mức thiệt hại tối thiểu liên quan tài sản

Trong một số buổi góp ý dự án luật trước đây, rất nhiều người đã cho rằng với các tội chiếm đoạt tài sản và một số tội liên quan đến tài sản, cần nâng mức định lượng tài sản bị thiệt hại tối thiểu để xử lý hình sự lên.

Tại hội thảo, mọi người đều đồng tình với quan điểm trên. Theo đại diện Công an TP, luật hiện hành đã lạc hậu: “Ăn cắp tài sản có giá trị 500 ngàn đồng thì xử lý hình sự, tôi e làm không xuể. Với tình hình hiện nay, cần nâng mức này lên năm triệu đồng”. Bà Phạm Thị Thúy (Trường Đại học Luật TP) bổ sung: “Nếu đã nâng mức tiền cũng cần nâng mức định lượng tối đa mới đồng bộ, khoa học”.

Bỏ hẳn tội sử dụng trái phép chất ma túy?

Cạnh đó, các đại biểu đều thống nhất là nên bỏ hẳn tội sử dụng trái phép chất ma túy trong luật. Bà Ung Thị Xuân Hương nói: “Phải xem những người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân cần giúp đỡ chứ không nên xử lý hình sự họ. Hiện có khoảng 10% số người tái nghiện sau cai, nếu chúng ta đưa trở lại trường sẽ vi phạm pháp luật hình sự vì đây là trường hợp tái phạm nhưng xử lý hình sự thì không ổn. Vì thế, khi sửa đổi cần bỏ hẳn tội danh này”.

“Buôn” bán người hay “mua” bán người”?

Các đại biểu cũng đồng tình với dự luật là ngoài việc xử lý hình sự hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em thì cũng nên đưa đối tượng bị mua bán là nam giới vào. Tuy nhiên, các đại biểu góp ý là nên sửa cụm từ “buôn bán người” thành “mua bán người” sẽ bao hàm hơn, dễ xử lý hơn...

Kết thúc hội thảo, ông Trần Hoàng Thám - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP cho biết: “Chúng tôi sẽ cân nhắc, tổng hợp các kiến nghị này để trình Quốc hội ở phiên họp vào tháng 10 tới”.

12 tội nào sẽ bỏ tử hình?

Dự luật của Bộ Tư pháp sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của BLHS theo hướng:

- Bỏ tử hình 12 tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); buôn lậu (Điều 153); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 157) ; làm, vận chuyển, tàng trữ tiền giả (Điều 180); tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); phá hủy công trình (Điều 231); tham ô tài sản (Điều 278); nhận hối lộ (Điều 279); đưa hối lộ (Điều 289); chống mệnh lệnh (Điều 316); đầu hàng địch (Điều 322); phá hoại vũ khí (Điều 334).

- Hình sự hóa một số hành vi vi phạm về môi trường có khả năng gây hậu quả lớn cho sức khỏe như mua bán, tái chế rác thải y tế nguy hại hoặc chất thải rắn nguy hại.

- Bổ sung tội sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

- Nâng mức hình phạt với tội rửa tiền.

- Nâng mức định lượng tối thiểu về giá trị tài sản với các tội chiếm đoạt tài sản và các loại tội khác liên quan đến tài sản...

VI TRẦN - HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm