ỨNG CỬ VIÊN ĐBQH UNG THỊ XUÂN HƯƠNG:

Góp hết sức mình để luật thống nhất, khả thi

Nhiều năm công tác trong ngành tư pháp, “gác cửa” văn bản, bà Hương thấu hiểu những nỗi khổ của người dân bởi hệ thống pháp luật chồng chéo, vênh nhau…

“Điều tôi tâm tư nhất là văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa thật sự đi vào cuộc sống làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân. Vì vậy, góp hết sức mình cho một nền pháp luật hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi là tâm nguyện của tôi trong công việc hằng ngày cũng như nếu được bầu làm ĐBQH” - bà Ung Thị Xuân Hương bày tỏ.

Soạn luật phải vì lợi ích chung

. Nhiều năm tham gia “gác cửa” về mặt pháp lý các văn bản và tham mưu giải quyết những vụ việc cụ thể ở TP, theo bà điều gì là chưa ổn nhất trong ban hành văn bản pháp luật hiện nay?

+ Tôi nhận thấy nhiều văn bản luật còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn nhau làm quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, Luật Nhà ở có một số điều khoản quan trọng lại mâu thuẫn Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự…

Một khi luật không thống nhất sẽ dẫn đến tình trạng mỗi nơi hiểu mỗi kiểu làm khổ người dân. Hoặc luật ban hành nhưng văn bản hướng dẫn không kịp thời, người dân phải tiếp tục chờ. Như vậy chẳng khác nào quyền lợi của họ bị “treo”, phải chịu chậm lại thay vì được thụ hưởng ngay. Rồi thủ tục hành chính, tuy chủ trương chung là phải đơn giản hóa nhưng lại có văn bản “đẻ” ra thủ tục không cần thiết, làm phiền dân.

Góp hết sức mình để luật thống nhất, khả thi ảnh 1

Ứng cử viên Ung Thị Xuân Hương (bìa trái) trao đổi với các cử tri bên lề hội nghị tiếp xúc cử tri ở quận 12, TP.HCM. Ảnh:ĐÌNH VÂN

. Tình trạng văn bản luật mâu thuẫn, chồng chéo có nguyên nhân do đâu và làm sao để khắc phục?

+ Tôi cho rằng cả ba khâu: soạn luật, thẩm định và thông qua đều giữ vai trò quan trọng nếu muốn khắc phục tình trạng luật chồng chéo, mâu thuẫn. Cơ quan soạn luật - hiện nay chủ yếu là các bộ ngành phải đặt ngành của mình trong bình diện chung chứ không phải chỉ quan tâm mỗi phía mình. Người tham gia góp ý và cơ quan thẩm định cũng phải có trách nhiệm đầu tư xứng đáng khi được gửi dự thảo. Còn khâu thông qua cũng phải có trách nhiệm phát hiện những mâu thuẫn nếu có giữa các văn bản.

Nghiên cứu kỹ, góp ý sâu

. Nhiều năm công tác trong ngành tư pháp, bà tin rằng mình có thể làm được những gì nếu tham gia công tác lập pháp của Quốc hội?

+ Công tác lập pháp là một chức năng quan trọng của Quốc hội. Tôi biết rằng nếu chỉ một con én thì chưa thể làm nên mùa xuân nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình. Với 23 năm hoạt động trong ngành tư pháp, trong đó có 14 năm tham gia trong công tác soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản của UBND TP cũng như tham mưu cho lãnh đạo TP về mặt pháp luật với những vụ việc cụ thể ở mọi lĩnh vực khác nhau, tôi hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng nếu có được hệ thống văn bản pháp luật tốt. Bởi vậy, tôi sẽ nghiên cứu kỹ các dự án luật để phát hiện, góp ý những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề mang tính đặc thù của một đô thị lớn như TP.HCM. Với những kinh nghiệm đã có, tôi nghĩ mình sẽ có nhiều thuận lợi và tham gia có hiệu quả trong công tác này.

Điểm nóng quan tâm: Bồi thường đất bị thu hồi

. Theo bà, những lĩnh vực nào sẽ là “điểm nóng”, ảnh hưởng lớn đến đại bộ phận người dân mà Quốc hội khóa XIII cần tập trung và bà sẽ đặc biệt chú trọng?

+ Tôi cho rằng vẫn là nhà ở, đất đai. Luật Đất đai sắp tới chắc chắn sẽ sửa đổi một cách toàn diện. Một khía cạnh trong lĩnh vực đất đai mà tôi rất quan tâm là quy định về bồi thường cho người bị thu hồi đất. Thú thật, tôi luôn thấy áy náy khi đứng trước những vụ việc này mặc dù mức bồi thường ngày một cao hơn hoặc đã bồi thường theo giá thị trường. Đặt mình ở vị trí của người bị thu hồi đất, dù có bồi thường bao nhiêu đi nữa thì đời sống vẫn bị xáo trộn về chỗ ở, thói quen, phong tục tập quán. Bởi vậy, không phải cứ cho rằng “tạo cho người bị giải tỏa có chỗ ở tốt hơn” là đủ đâu, luật cần những quy định thực tiễn hơn, có thế mới giảm bớt khiếu nại.

Tôi đã từng gặp một bà cụ thuộc diện phải thu hồi đất, bà lo lắng mãi không thôi, không phải về giá bồi thường mà là về chỗ ở mới, xa rời nơi ở thân quen, hàng xóm láng giềng bao lâu nay. Tôi cho rằng luật phải cân đối hài hòa quyền lợi của người dân và Nhà nước.

Ngoài ra, quy định về bồi thường đất còn nhiều điểm chưa hợp lý, chẳng hạn cùng là mục đích công cộng nhưng việc mở rộng đường khác với làm công viên cây xanh. Người bị thu hồi một phần đất để mở đường lớn, sau đó họ được lợi rất lớn khi đất trở thành mặt tiền, trong khi người bị di dời đất cho công viên thì không được gì, thế mà giá bồi thường như nhau là không phù hợp.

. Cảm ơn bà và chúc bà thành công.

Góp hết sức mình để luật thống nhất, khả thi ảnh 2

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm