Giấy khai sinh: Luật này giữ, luật kia bỏ?

Thảo luận về dự thảo Luật Hộ tịch và dự thảo Luật Căn cước công dân trong phiên họp ngày 28-10, một số đại biểu (ĐB) đã băn khoăn trước sự khác biệt về quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong giải trình tiếp thu, chỉnh lý về việc có nên tiếp tục duy trì cấp giấy khai sinh hay cấp ngay thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi.

Bỏ hay giữ giấy khai sinh?

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận một con người ra đời. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp giấy khai sinh, trong đó có ghi những thông tin cơ bản của trẻ em.

“Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc” - ông Lý cho hay UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Tính phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Khẳng định như vậy nhưng tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước trình bày trước QH cùng ngày, UBTVQH lại cho rằng việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính. Việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi chỉ là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Do đó UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính giao UBND cấp xã thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch (tức là không cấp giấy khai sinh). Sau đó cơ quan này có trách nhiệm chuyển thông tin cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ căn cước cho công dân theo quy định.

Trước vấn đề trên ĐB Đỗ Ngọc Niên (Bình Thuận) thắc mắc: “Để cấp 21 triệu thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi thì sẽ tiêu tốn một số tiền không nhỏ. Thế mà sao trong báo cáo của UBTVQH lại có sự khác nhau như vậy, có vấn đề gì chăng?”.

Đề nghị giữ giấy khai sinh

Theo ĐB Niên, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi là đảm bảo theo tinh thần của Hiến pháp 2013, không có sự phân biệt và giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nếu sau này hai luật có hiệu lực và thẻ căn cước không thay thế được giấy khai sinh thì xử lý thế nào và ai sẽ chịu trách nhiệm.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng giấy khai sinh là căn cứ giá trị pháp lý đầu tiên mà Nhà nước ghi nhận sự ra đời của công dân. Đó cũng là căn cứ để cấp và làm các thủ tục khác cho trẻ em nên không thể bỏ được. Còn nếu bỏ mà vẫn giữ thủ tục trích lục khai sinh thì chẳng giảm được phiền hà, đồng thời gây nhiều phiền phức cho trẻ em khi làm các thủ tục có yếu tố nước ngoài.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng khẳng định việc bỏ giấy khai sinh thay bằng thẻ căn cước công dân sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp giấy khai sinh. Vì vậy cần tiếp tục duy trì việc cấp giấy khai sinh để trẻ em được hưởng mọi quyền mà công ước về quyền trẻ em đã quy định. Còn việc cấp thẻ căn cước nên cấp cho trẻ từ 14 tuổi trở lên.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm