Giảng viên luật được làm luật sư?

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Luật sư (sửa đổi) chiều 12-4 ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau quanh việc có nên cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không. Trong khi cơ quan soạn thảo đề xuất “nên” với lập luận để thu hút người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề luật sư, giúp người giảng dạy có thêm kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao chất lượng giảng dạy thì phía cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp lại đề nghị “không”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, nếu cho phép việc này thì sẽ tạo ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là giảng viên tham gia tố tụng. “Việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng”- ông Hiện nói.

Giảng viên luật được làm luật sư? ảnh 1

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, nếu cho phép giảng viên luật làm luật sư sẽ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Ảnh: HTD

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và Pháp lệnh Luật sư năm 2001 cho phép công chức, viên chức làm công tác giảng dạy được phép hành nghề luật sư. Đến khi làm Luật Luật sư năm 2006, QH đã cân nhắc và quyết định không đưa vấn đề này vào dẫn đến việc những đối tượng kiêm nhiệm này buộc phải từ bỏ một trong hai vai. “Giờ đưa lại vấn đề này vào luật sửa đổi thì có phù hợp không?” - ông Lý băn khoăn.

Một vấn đề khác cũng gây nhiều tranh luận là việc dự thảo không cấm người phạm tội nghiêm trọng đã được xóa án tích được hành nghề luật sư. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng người luật sư, ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn, còn có yêu cầu về tư cách đạo đức, uy tín nghề nghiệp. Do vậy, xem xét trong các mối quan hệ xã hội, cần tránh trước tình huống người từng phạm tội lại đi bào chữa, bảo vệ cho những người phạm tội khác. “Việc quy tụ, sử dụng trí tuệ những người từng lầm lỡ, nếu có, nên tiến hành theo cách khác” - bà Phóng nói.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng nêu quan điểm, với một số tội như xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm hoạt động tư pháp… thì nhất quyết không được hành nghề luật sư, dù đã được xóa án tích.

Mở rộng đối tượng được mời luật sư

Dự thảo luật sửa đổi quy định mở rộng đối tượng được mời luật sư. Cụ thể, người thân của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng có quyền mời luật sư.

Cũng theo dự thảo, người tập sự luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo… khi được khách hàng đồng ý. Tuy nhiên, họ không được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đại diện cho khách hàng tại phiên tòa.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm