Giám sát của Mặt trận phải “thiêng”

Đánh giá kết quả hoạt động của Mặt trận sáu tháng đầu năm và cho ý kiến về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, thảo luận về đề cương báo cáo chính trị trình Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VII...

Tuy khẳng định “những kết quả của sáu tháng đầu năm là bước tạo đà phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững” nhưng báo cáo của ban thường trực cho rằng nhân dân còn lo lắng trước vấn đề lạm phát, đời sống nông dân, người hưởng lương, đặc biệt là người nghèo gặp nhiều khó khăn...

GS Hoàng Xuân Sính - ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng MTTQ cần đưa ra những dự báo và có các phương án giúp đỡ người nghèo vượt qua cơn khó khăn này. “Chúng ta không chỉ hô hào tiết kiệm chung chung. Nếu chúng ta thực sự tiết kiệm và chống tham nhũng có hiệu quả thì sẽ dành ra được một số tiền rất lớn cho người nghèo” - bà Sính bày tỏ.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim cho biết: Thời gian qua, Ban thường trực tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản về “giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội”. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, Ban thường trực đang soạn thảo các quy chế giám sát và phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch Cư Hòa Vần cho rằng công tác giám sát của Mặt trận vẫn còn mờ nhạt. “Hiện nay Mặt trận tham gia vào nhiều nghị quyết, chương trình thì phải làm cho sự tham gia đó “thiêng” - ông Vần nói. Theo ông Vần thì không có cớ gì để chậm trễ ban hành các quy định cụ thể về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận. “Khi chưa có chính quyền thì Mặt trận đứng ra tập hợp lực lượng, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khi có chính quyền rồi thì Mặt trận phải giám sát chính quyền để chống sự quan liêu hóa bộ máy nhà nước” - vị này phân tích.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm