Giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng luật pháp quốc tế

LTS: Việc Trung Quốc thông qua Luật Bảo vệ hải đảo quy định chế độ pháp lý về các đảo đá ở khu vực biển Đông đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước động thái không thể chấp nhận ấy, ngoài việc cực lực phản đối, chúng ta phải làm gì để có thể bảo vệ được chủ quyền biển, đảo của mình? Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật biển và khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông khẳng định: “Giải quyết tranh chấp trên biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế...”.

Áp dụng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ

. Tại hội thảo quốc tế về biển Đông mới đây (tháng 11-2009), ông có trình bày tham luận “Áp dụng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ trong luật quốc tế giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông”. Xin ông cho biết cụ thể về nguyên tắc này?

+ Nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ (còn gọi là chiếm hữu thực sự) là một tập quán quốc tế. Trước đây nó là một nguyên tắc trong Định ước Berlin ký năm 1885 giữa 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ, sau đó đưa vào Tuyên bố Lausanne của Viện Pháp luật quốc tế năm 1888. Tuy nhiên, nguyên tắc này bị Hiệp ước Saint Germain năm 1919 hủy bỏ. Hủy bỏ không phải vì nguyên tắc này không còn giá trị mà vì trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa.

Giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng luật pháp quốc tế ảnh 1

Viếng đền thờ Lý Thường Kiệt trên đảo Đá Tây, Trường Sa. Ảnh: VIỄN SỰ

Tuy vậy 100 năm nay, Tòa án Công lý quốc tế cho đến trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp về biển, đảo, lãnh thổ đều áp dụng nguyên tắc này. Ví dụ, vụ tranh chấp quần đảo Falmas giữa Hoa Kỳ và Hà Lan năm 1928; tranh chấp các đảo Minquiers và Écrehous giữa Anh và Pháp năm 1953 và đặc biệt gần đây là tranh chấp hai nhóm đảo giữa Indonesia và Malaysia năm 2002, Malaysia với Singapore năm 2008.

. Nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thực sự là gì?

+ Một quốc gia được coi chiếm hữu một vùng đất, vùng biển, đảo nào đó phải thỏa mãn bốn yếu tố. Thứ nhất là chiếm hữu một cách hòa bình chứ không phải bằng vũ lực, quân sự. Thứ hai là công bố công khai, đàng hoàng cho các quốc gia khác biết. Thứ ba là chiếm hữu liên tục, không gián đoạn. Thứ tư là chiếm hữu bằng hình thức nhà nước, tức là việc chiếm hữu đó phải được thực thi bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước.

Nguyên tắc chiếm hữu thực sự sẽ phân định cụ thể ai là người có danh nghĩa chiếm hữu đầu tiên, quốc gia nào là có danh nghĩa quyền lãnh thổ đối với các vùng ở biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa...

Đưa ra cơ quan tài phán quốc tế

. Các bên có liên quan ở biển Đông có quyền đơn phương đưa vụ việc ra tòa án quốc tế không, thưa ông?

+ Muốn đưa tranh chấp ra giải quyết ở Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật biển, các nước phải đồng thuận với nhau. Tức là cùng thừa nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán này. Có thể có con đường khác nhưng dễ nhất là các bên tranh chấp ngồi lại, thỏa thuận đưa vụ việc ra tòa án, trọng tài quốc tế phân giải.

. Theo ông, đưa tranh chấp biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế sẽ có lợi gì?

+ Theo tôi, đưa tranh chấp ở biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa ra trước Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an, Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật biển của Liên Hiệp Quốc... việc giải quyết sẽ dễ đạt được sự đồng thuận hơn. Phán quyết của các cơ quan trên nhiều khả năng được thực thi vì các nước liên quan đến tranh chấp đều tham gia Công ước Luật biển năm 1982.

Ai có bằng chứng pháp lý, người đó thắng

Trong quan hệ quốc tế hiện nay, kể cả đấu tranh ngoại giao thì cũng phải dựa trên luật pháp quốc tế thì mới nói được, nhân nhượng nhau được. Nếu anh đưa ra chuẩn của anh, tôi đưa ra chuẩn của tôi mà không căn cứ vào chuẩn của thời đại là luật pháp quốc tế thì hỏng, không bao giờ đi đến kết quả! (PGS-TS Nguyễn Bá Diến)

. Tại hội thảo quốc tế về biển Đông, ông đã có ý kiến như thế nào về việc đưa tranh chấp ở biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế, thưa ông?

+ Tôi đặt vấn đề: Giải quyết tranh chấp ở biển Đông phải vừa sử dụng thiết chế khu vực là ASEAN, đồng thời sử dụng thiết chế toàn cầu của Liên Hiệp Quốc: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Tòa án Luật biển, Tòa án Công lý quốc tế... Đặc biệt, Trung Quốc phải đi đầu, gương mẫu, vì ông là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, ông có thẩm phán trong số 15 thẩm phán của Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc, tại sao ông lại không đưa ra?

. Trường hợp Trung Quốc không đồng ý đưa vụ việc tranh chấp ở biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế thì sao, thưa ông?

+ Bây giờ phải kêu gọi Trung Quốc... và cộng đồng quốc tế phải lên tiếng. Nói mãi anh phải rung chứ! Tuyên truyền phải như vậy. Người dân trong nước và cộng đồng quốc tế phải thấy lẽ phải của chúng ta và sự phi lý của họ.

. Áp dụng nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ có đưa ra được một bản đồ giải quyết tranh chấp ở biển Đông, thưa ông?

+ Có chứ! Sẽ đi đến việc xác định chỗ này ông Việt Nam được bao nhiêu phần trăm, chỗ kia ông Trung Quốc được bao nhiêu phần trăm. Hoặc chỗ này là của Việt Nam nhưng Việt Nam sẵn sàng mời Trung Quốc hợp tác... Với những đảo họ chiếm giữ, chỉ có chứng lý và bằng luật pháp quốc tế để chỉ rõ “ông chiếm giữ đảo sai rồi, ông rút quân về đi chứ”!

. Ông có tin cơ chế tài phán quốc tế có thể giải quyết được những tranh chấp ở biển Đông?

+ Ra trọng tài hay tòa án, anh phải có luận cứ pháp lý, phải chuẩn bị đầy đủ bằng chứng, chứng cứ chứ không thể nói vo như Trung Quốc về cái gọi là “đường lưỡi bò”!

. Vậy theo ông, để góp phần giữ gìn chủ quyền đối với biển đảo, sau hội thảo quốc tế về biển Đông, Việt Nam cần có những động thái gì tiếp theo?

+ Phải tuyên truyền, phổ biến cho người dân cũng như cộng đồng quốc tế biết được lẽ phải. Đồng thời, phân tích để thấy giải quyết tranh chấp trên biển Đông phải dựa vào luật pháp quốc tế .

Hơn 100 năm nay, tòa án, trọng tài quốc tế xét xử các tranh chấp về biển, đảo dựa trên luận cứ pháp lý... Ông nào có bằng chứng pháp lý, ông ấy thắng!

. Cảm ơn ông.

VĂN TIẾN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm