NHÂN NGÀY BÁO CHÍ VIỆT NAM 21-6

Giải pháp quản lý nào cho báo “giải trí”?

Luật Báo chí hiện hành không xác nhận chức năng giải trí của báo chí nhưng nhu cầu của xã hội về thông tin giải trí là có thực. Do luật không đưa ra điều kiện kiểm soát chặt chẽ nên trong số các tin tức giải trí có một số thông tin độc hại. Chính vì vậy, không thể đơn giản nói: Việt Nam không có báo "lá cải", là sẽ chặn đứng được xu hướng "lá cải"...

Theo thông báo nhận xét tại cuộc họp tuần (1-6) của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM thì các ấn phẩm phụ của một số tờ báo phía Bắc có hàng loạt tin, bài thông tin về vụ án, tội ác, tình dục, thậm chí cả thông tin mê tín dị đoan. Sở cho rằng theo Nghị định 51/2002 thì các ấn phẩm này đã vi phạm Luật Báo chí. Cũng tại thời điểm đó nổ ra một cuộc tranh luận rất lớn trên báo chí cho rằng đấy là loại báo chí “lá cải” không thể chấp nhận được. Ngay lập tức, một số tờ báo, ấn phẩm phụ bị nêu tên đã liên tiếp đăng tải các tin, bài chỉ trích ngược lại, rằng họ đã bị “bôi nhọ”, đồng thời còn cho rằng nhiều tin, bài của báo chính thống là khô cứng, thiếu hơi thở của cuộc sống.

Lúng túng quản lý

Thực tế, ấn phẩm của một số tờ báo có trụ sở chính ở phía Bắc với đại đa số các bài viết thiên về mô tả tỉ mỉ các loại hành vi tội ác, dâm ô, scandal của nghệ sĩ, người nổi tiếng, các câu chuyện hoang đường thần bí chưa được kết luận… nói trên hiện đều được phát hành với số lượng lớn, do một số đơn vị tư nhân đứng ra “bao thầu” gần như toàn bộ, được một bộ phận bạn đọc đón đợi. Trong khi đó các ấn phẩm chính thống lại hết sức vất vả tìm kiếm người đọc cho mình.

Bản thân một số nhà báo chuyển từ báo chính thống sang làm cho các ấn phẩm phụ hoặc làm thuê cho các “đầu nậu” thì lại cho rằng việc cho ra đời các loại ấn phẩm báo chí với chức năng giải trí, cẩm nang tiêu dùng là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội, cơ quan báo chí không làm thì người đọc vẫn tìm kiếm chúng trên các trang mạng, ấn phẩm “ngoài luồng”.

Giải pháp quản lý nào cho báo “giải trí”? ảnh 1

Ngoài một số đầu báo chính thống, một bộ phận bạn đọc xem báo như một loại thức ăn tinh thần chỉ nhằm giải trí. Ảnh: HTD

Trả lời phỏng vấn ngay tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nói rằng sẽ rà soát tất cả ấn phẩm phụ đã được nêu tên và những ấn phẩm nào không đúng với tôn chỉ mục đích, không đúng với giấy phép sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, giải pháp triệt để cho vấn đề này không phải chỉ là việc thực thi các quy định của pháp luật mà còn là việc nghiên cứu, khảo sát, phân tích, gợi mở hướng quản lý mới.

Thực tế cho thấy dù không chấp nhận báo “lá cải” nhưng việc ra đời các ấn phẩm bị cáo buộc là “lá cải” thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương. Chính vì thế cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí ở địa phương dù có kịp thời phát hiện, nghiêm khắc với các hiện tượng báo chí “lá cải” thì cũng không có thẩm quyền xử phạt, rút giấy phép xuất bản các ấn phẩm này. Cố gắng cao nhất của họ chỉ là phát hiện và phản ánh.

Chính vì thế từ đầu năm 2012 đến nay, các ấn phẩm phụ vẫn xuất bản ngày một nhiều, cao điểm là vào tháng 5-2012 có đến bốn ấn phẩm mới thuộc các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội ra mắt bạn đọc mà ngay từ số đầu tiên xu hướng giật gân, câu khách đã bộc lộ rõ nét.

Cần sửa luật để có hướng quản lý

Hiện nay ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về báo “lá cải” và luật cũng không thừa nhận loại báo chí này. Điều 1 Luật Báo chí 1989 quy định “Báo chí… là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”. Điều 6 của Luật quy định sáu nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, trong đó các chức năng của báo chí chủ yếu là thông tin, tuyên truyền, định hướng… chứ không có chức năng giải trí. Hơn thế, các vấn đề về tội ác, đời tư công dân, vấn đề khoa học thần bí chưa được kết luận, tại Nghị định 51/2002 đã được quy định một cách rõ ràng.

Tuy nhiên, có thực trạng là một bộ phận bạn đọc bình dân coi báo chí như một loại thức ăn tinh thần chỉ nhằm để giải trí. Họ cốt tìm kiếm những thông tin về các ngôi sao, các câu chuyện éo le, kỳ lạ xảy ra trong xã hội được đăng tải trên báo chỉ nhằm để thỏa mãn trí tò mò, giết thời gian chứ không tìm kiếm giá trị “cao cấp” như giáo dục, định hướng. Ngoài ra còn một bộ phận người đọc mua báo cũng chỉ cốt nhằm tìm kiếm các thông tin mang tính cẩm nang như các tin, bài hướng dẫn về các kỹ thuật chơi chim cảnh, cây cảnh, kỹ thuật về kiến trúc nhà cửa, thời trang, mỹ phẩm, ô tô, xe máy, điện thoại di động… Những thông tin như vậy trên các báo chính thống thường không nhiều do ban biên tập các tờ báo này chỉ chú trọng thực hiện sáu nhiệm vụ chính trị ghi trong Luật Báo chí và Giấy phép hoạt động (do Bộ TT&TT cấp).

Vì thế mảng thông tin giải trí trên báo chí được coi là thị trường còn bỏ ngỏ. Việc ra đời các ấn phẩm phụ, theo lý luận của các tờ báo, cũng là một cách thức để nhằm lấp đầy các mảng trống này, đồng thời cũng là cách kéo kinh tế báo chí đi lên để có nguồn lực phục vụ nhiệm vụ chính trị. Trong thực tế hiện nay, việc tổ chức các tin, bài, trình bày, in ấn, phát hành các ấn phẩm phụ như vậy đa số do các công ty tư nhân hoặc “đầu nậu” thực hiện. Ban biên tập các báo chỉ là đứng ra lo giấy phép, lo đối ngoại và chấn chỉnh những phần nội dung liên quan đến chính trị (nếu có nhưng cực kỳ ít) của các ấn phẩm này.

Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất hướng quản lý báo tạm gọi là “lá cải” phải đạt các mục tiêu: Ngăn chặn ngay lập tức việc xuất bản các thông tin “lá cải” đang gây tác động xấu cho xã hội; tạo hành lang pháp lý cho loại hình báo giải trí thương mại thuần túy, tạo nguồn thu để tái đầu tư trở lại cho báo chí chính thống.

Phân luồng để quản lý

Có ba phương án để lựa chọn: Tiếp tục thực hiện những quy định hiện hành của Luật Báo chí, Nghị định 51/2002; cấm triệt để hơn; hoặc cho tồn tại nhưng phân loại báo chí để có cách quản lý phù hợp.

Trong cả ba phương án trên, phương án thứ nhất chỉ có tác dụng mỗi khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ về tác hại của báo chí “lá cải”, về lâu dài không có giải pháp căn cơ vì hiện tại Nhà nước hầu như không có nguồn để bao cấp cho báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phương án 2 là một phương án khá cực đoan, đi ngược lại với xu thế hội nhập, mở cửa, không khuyến khích sự đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh tương đối bình thường cũng như có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh trên thị trường báo chí. Thực tế cũng cho thấy việc cấm đoán trong điều kiện Việt Nam không bao giờ triệt để được, nhất là trong điều kiện hiện nay Internet đang trở thành công cụ sắc bén lan tỏa thông tin.

Phương án thứ ba là một phương án khả thi có thể giải quyết tận gốc vấn đề báo “lá cải”, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và thông lệ quốc tế, tuy việc thực hiện phương án này có thể mất nhiều thời gian, công sức do phải nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá và phải đưa được vào quy trình xây dựng luật của Quốc hội về việc sửa đổi Luật Báo chí cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.

Muốn thực hiện phương án này, bước đầu tiên phải phân biệt rõ giữa loại hình báo chí chính thống, thực hiện nhiệm vụ chính trị và loại hình báo giải trí thương mại thuần túy để có biện pháp quản lý phù hợp. Theo đó phải làm rõ hơn chức năng của báo chí được quy định tại Điều 6 Luật Báo chí năm 1989, ở đây phải thêm hoặc thừa nhận chức năng giải trí, một trong bốn chức năng cơ bản của báo chí đã được thừa nhận từ lâu trong các nền báo chí phát triển.

Từ cơ sở pháp lý này sẽ làm rõ quy trình, điều kiện, thủ tục cũng như đầu mối quản lý đối với loại hình báo giải trí. Trong đó, điều kiện cấp phép, những nguyên tắc đưa tin liên quan đến tội ác, tình dục, người nổi tiếng, khoa học thần bí chưa được kết luận cũng như hướng bảo vệ đối với những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người dân tộc thiểu số… phải được đặt ra. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu các biện pháp quản lý khác (có thể quản lý như đối với doanh nghiệp) đối với mô hình báo chí giải trí như việc điều tiết chính sách thuế, nhân sự, đầu tư để có nguồn thu tài trợ trở lại với báo chí chính thống.

Giải pháp quản lý nào cho báo “giải trí”? ảnh 2
Giải pháp quản lý nào cho báo “giải trí”? ảnh 3

PHAN LỢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm