Gần 200 tham luận tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ

Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu là các quan chức, chuyên gia trong nước và đến từ nhiều nước trên thế giới như Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Brazil, Cuba, Lào… với gần 200 tham luận.

Với khối lượng tham luận đồ sộ, hội thảo được tổ chức thành ba phiên theo ba chủ đề: “Hồ Chí Minh với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “Hồ Chí Minh với sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc”, “Văn hóa, đạo đức, nhân cách trong di sản Hồ Chí Minh”.

Mỗi tham luận đã đi sâu tìm hiểu di sản Hồ Chí Minh trong từng lĩnh vực của cuộc cách mạng độc lập dân tộc của thế kỷ 20 cũng như thời kỳ Việt Nam hội nhập quốc tế ngày nay: tư tưởng Hồ Chí Minh với việc đào tạo cán bộ, với công tác xóa đói giảm nghèo, hay với vấn đề đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ lãnh đạo, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh ứng dụng cho thời đại mới... Nhiều tham luận cũng đã đưa ra các chi tiết cho thấy tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế, trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân…

Bàn về tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, phát biểu: “Hồ Chí Minh (…) rất quan tâm đến việc bảo vệ và bảo tồn di sản. Sắc lệnh số 65 (…) ban hành tháng 11-1945 quy định rằng việc bảo tồn di tích lịch sử là một nhiệm vụ rất cần thiết để xây dựng nước Việt Nam. Quyết định này còn cấm phá hủy đình, chùa, đền đài, điện thờ, hoặc những nơi thờ cúng, các lâu đài, thành quách và lăng mộ, cũng như các đồ vật, sắc chỉ, văn bằng, tư liệu, sách báo, có giá trị cho lịch sử cho dù có tín ngưỡng hoặc không…”.

Bà Katherine Muller-Marin cho biết Đại hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các quốc gia thành viên tham gia vào việc kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “vị anh hùng dân tộc và nhà văn hóa lớn” của Việt Nam.

XUÂN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm