Dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước

“Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chúng tôi trân trọng đề nghị QH ra lời kêu gọi toàn dân phát huy truyền thống quý báu theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức thi đua lao động sản xuất và công tác. Toàn dân tộc đoàn kết một lòng sát cánh cùng trung ương Đảng, Chính phủ và QH thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẩn thiết đề nghị như vậy trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội ngày 2-6.

Nghị quyết phải có nội dung bảo vệ chủ quyền

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lưu ý: “Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước nồng nàn lại kết dân ta thành làn sóng. Khi Trung Quốc càng hung hăng lấn tới thì lòng yêu nước càng trỗi dậy mạnh mẽ”. Vì vậy, theo ông Đương, nghị quyết của QH về kinh tế-xã hội tới đây cần có nội dung về tăng cường các biện pháp giữ vững chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.

“Một khi chúng ta sống gần với một người láng giềng rộng vai nhưng hẹp bụng như thế thì chúng ta cần phải có những bước chuẩn bị thật chu đáo và thận trọng theo nguyên tắc phát huy cơ hội và phòng ngừa rủi ro giống như chúng ta đã từng sống chung với lũ. Nhưng ở đây chỉ khác một điều đó là lũ thì đến hạn lại lên, xong lũ lại rút, còn người bạn láng giềng lòng dạ xấu xa ấy không biết họ sẽ làm gì với chúng ta…” - ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cảnh báo.

 
ĐB ĐỖ VĂN ĐƯƠNG: “Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai những dự án chưa thực sự bức xúc để tập trung nguồn lực cho quốc phòng, an ninh”. Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH: “NHNN cùng các ngân hàng thương mại sẽ dành ra khoảng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu hiện có”.

Đầu tư cho an ninh quốc phòng

Vấn đề đầu tư cho an ninh quốc phòng cũng được nhiều ĐB đặt ra. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) đề nghị trước mắt tăng cường đầu tư trang bị phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển và đầu tư tàu đánh cá giúp ngư dân bám biển. “Chúng ta đang cho ngư dân vay lãi suất 3% để đóng tàu cá lớn nhưng quan điểm của tôi là có thể tính lãi suất là 0%. Trước đây chúng ta đã tổ chức cho những đội tàu cá vừa kết hợp kinh tế, kết hợp quốc phòng. Bây giờ chúng ta cho vay không lãi để nhân dân vừa đánh cá vừa giữ vững biển, đảo, tạo thế lòng dân liên hoàn trên biển” - ĐB Nghĩa nêu ý kiến.

ĐB Đương cũng đề nghị các ngân hàng cho ngư dân vay lãi suất thấp hơn, định mức vốn vay phải cao hơn, thời hạn vay phải dài hơn và việc cho vay này phải trực tiếp đến địa chỉ từng chủ tàu, cấm qua trung gian. “Các doanh nghiệp hãy bày tỏ lòng yêu nước bằng việc đầu tư kinh doanh, hợp tác làm ăn lâu dài với ngư dân như cung ứng hậu cần, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển, đóng tàu cổ phần chia lợi nhuận…”.      

Ủng hộ giải pháp của Chính phủ dành 16.000 tỉ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, ĐB Đương thậm chí còn cổ vũ cần phải đầu tư nhiều hơn mức này. Theo ông Đương, Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, tạm dừng triển khai những dự án chưa thực sự bức xúc để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân… “Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu tối đa các đoàn ra nước ngoài. Tôi cũng hứa từ nay đến hết nhiệm kỳ này nếu trời để sống tôi cũng không đi nước ngoài nữa. Không được phình to bộ máy và biên chế, tạm ngừng xây dựng trụ sở mới” - ĐB Đương lưu ý.

Đồng tình, ĐB Trần Du Lịch đề nghị: “QH lần này nên cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội. Những kiểu chi như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại… phải cắt tối đa”.

THU HẰNG - THÀNH VĂN - BÌNH MINH

 

Tránh bỏ tất cả vào chung một giỏ

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, hiện Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. “Trong năm 2013, chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, còn nhập khẩu chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu” - Bộ trưởng Hoàng cung cấp số liệu.

“Các số liệu chính thức cho thấy kinh tế nước ta đang lệ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phương Bắc cả về nguyên liệu và vật tư phụ trợ cho sản xuất công nghiệp cũng như về thị trường tiêu thụ nông sản. Lệ thuộc về kinh tế như vậy thì khó tránh khỏi các lệ thuộc khác, dễ gây bất lợi trong mọi tranh chấp xung đột chủ quyền ở hiện tại và tương lai gần hay xa”. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bày tỏ lo lắng và đề nghị nên có kế sách để thoát khỏi sự lệ thuộc và phải khởi động ngay trong năm 2014 này.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho hay các hiệp định thương mại tự do (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU) không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. “Chúng ta chưa có được một nền công nghiệp chế biến phát triển và chưa biết cách nào để vượt qua khoảng cách xa xôi, bảo quản dài ngày… Vì vậy, phải đầu tư đủ mức cho các chuỗi giá trị nông sản, các cụm nông nghiệp và thông qua các hiệp định thương mại tự do để tiếp tục đa dạng hóa “đầu ra” cho các sản phẩm. Đây chính là giải pháp tìm ra lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng lệ thuộc, bỏ tất cả vào chung một giỏ như hiện nay” - ông Lộc nhấn mạnh.

TS Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ chuẩn bị hai nghị quyết về giải pháp tái cấu trúc nông nghiệp, trong đó cả vấn đề ngư nghiệp và nghị quyết công nghiệp hỗ trợ để trình trong kỳ họp QH tới. Mục đích là thúc đẩy và tái cấu trúc cho được nguồn nguyên liệu vật tư để thực hiện chính sách chuyển từ gia công sang sản xuất.

Gói 10.000 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ

Thủ tướng và Chính phủ đã có chủ trương dành một nguồn vốn đủ lớn để hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu hiện có, tăng công suất và độ chắc chắn an toàn của tàu, đảm bảo đánh bắt xa bờ, nâng cao năng suất đánh bắt, đồng thời thực hiện chủ quyền của đất nước trên biển Đông.

NHNN cùng các ngân hàng thương mại sẽ dành ra một nguồn vốn khoảng 10.000 tỉ đồng, lãi suất cho ngư dân vay tầm 5% nhưng Chính phủ sẽ hỗ trợ 2% nên ngư dân chỉ phải trả 3%. Chính quyền địa phương các cấp, từ nguồn ngân sách của mình có thể sẽ hỗ trợ thêm một số % lãi suất nữa cho ngư dân của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngư dân. Ngoài ra, NHNN cũng đang nghiên cứu chủ trương có thể cho ngư dân vay thời hạn 10-15 năm, mức lãi suất 0% đối với các mô hình quản lý thật tốt, đảm bảo thu hồi được nợ gốc.

Bên cạnh đó, các tàu đóng mới đều sẽ được bảo hiểm và Chính phủ sẽ hỗ trợ 70% chi phí bảo hiểm cho ngư dân. Tàu được bảo hiểm, nếu xảy ra việc bị đâm chìm như vừa qua thì được coi như là tai nạn bất khả kháng trên biển và sẽ được đền bù.

Hiện Bộ NN&PTNT đã xây dựng nghị định về chính sách hỗ trợ này và Chính phủ đã thảo luận, đẩy nhanh tiến độ ban hành để thống nhất triển khai trên toàn quốc một cách có hiệu quả. Về mặt tiền tệ, chúng tôi khẳng định nguồn vốn đó đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ khi nào khi có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH

 

Chính nghĩa không bao giờ đơn độc

Từ cuối tháng 4-2014 đến nay thì chỉ số CDF (chỉ số phản ánh mức độ rủi ro về trái phiếu Chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế) liên tục giữ ổn định. Đây là một chỉ số đại diện để đánh giá mức độ rủi ro của một quốc gia dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó chứng minh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành lòng tin vào thị trường của Việt Nam. Chúng tôi cũng cho rằng chính nghĩa sẽ không bao giờ đơn độc và vì vậy Việt Nam đã và sẽ không bao giờ đơn độc.

ĐB VŨ VIẾT NGOẠN (Khánh Hòa)

Cải cách thể chế để tạo động lực phát triển mới

Thời điểm khó khăn hiện nay cũng chính là thời cơ cho chúng ta tái cơ cấu lại nền kinh tế. Chính phủ trợ giúp nông dân, giúp đỡ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu… Vì mục tiêu chung và dài hạn, nhất thiết phải thực hiện giải pháp căn cơ hơn là cải cách thể chế để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Bởi thực tiễn đã chỉ ra nền kinh tế Việt Nam đang suy kiệt tổng lực để phát triển và cần phải có cải cách lần hai để tạo động lực phát triển mới.

ĐB HÀ SỸ ĐỒNG (Quảng Trị)

Không bán mình cho quỷ dữ

Dứt khoát bảo vệ toàn vẹn giang sơn đất nước mà cha ông để lại. Dứt khoát không chịu hèn, chịu nhục, không bán mình cho quỷ dữ và không đẩy nhân dân của chúng ta vào làn tên mũi đạn chiến tranh. Chính phủ đã quyết định những chính sách mới hỗ trợ ngư dân. Đó là quyết sách rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay, hằng ngày chúng ta đang chứng kiến khí phách của ngư dân bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 ĐB LÊ NAM (Thanh Hóa)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm