Dự toán ngân sách năm 2009: Giảm 36 ngàn tỷ đồng do biến động giá dầu

Sáng qua (30-10), ngay trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận các báo cáo ngân sách của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã phải xin báo cáo bổ sung một thông tin quan trọng. Đó là ngân sách năm 2009 sẽ bị sụt 36 ngàn tỷ đồng so với dự toán ban đầu của Chính phủ bởi giá dầu thế giới giảm.

Theo Bộ trưởng Ninh, dự toán ngân sách đã gửi đại biểu được xây dựng vào thời điểm giá dầu thường xuyên cao, với bình quân tháng 8 và tháng 9 là trên 110 USD/thùng. Cho nên Chính phủ dự kiến giá dầu năm tới bình quân 90 USD làm căn cứ để tính dự toán thu ngân sách. Tuy nhiên, diễn biến từ đó đến nay các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, Ngân hàng JP Morgan của Mỹ, Deutsche Bank của Đức và cả Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC... liên tục dự báo giảm với nhiều mức từ 70 đến 90 USD.

Ông Ninh cho biết đang đề xuất Chính phủ dự toán thu từ dầu thô ở mức thấp để năm tới nếu biến động tích cực hơn, có tăng thu để thuận lợi hơn trong điều hành ngân sách. Cụ thể, giá dầu làm căn cứ dự toán thu ngân sách năm 2009 sẽ là 70 USD/thùng, thấp hơn mức 90 USD đã trình Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-giáo dục Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần cân đối, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn thu từ dầu thô. Dẫn lại số vượt thu năm nay gần 36 ngàn tỷ đồng, ông cho biết Chính phủ đã phải bù lỗ cho giá xăng dầu trong nước 32 ngàn tỷ đồng, cộng với tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí chín tỷ đồng thì xem ra khoản vượt thu khổng lồ này vẫn chỉ loanh quanh trong tập đoàn và các công ty kinh doanh xăng dầu.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ đến từ Quảng Nam cho rằng hơn 1.600 tỷ đồng mà Chính phủ đang dự kiến đầu tư cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cần xem xét chặt chẽ. “Họ cần thì tự huy động vốn mà kinh doanh. Ta dùng nguồn này chi cho lĩnh vực khác” - ông Sỹ nói. Đại biểu Thuyết cũng ủng hộ giải pháp này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung cho rằng trong lúc kinh tế khó khăn, ưu tiên đầu tiên của ngân sách phải là chăm lo cho đời sống cán bộ, công chức. Ông bảo cấu trúc và bản phân bổ ngân sách hiện nay na ná cách phân phối thu nhập của hợp tác xã nông nghiệp ngày xưa, cứ trừ hết quỹ này, quỹ nọ, còn lại mới phân phối cho người lao động. Mà như vậy cán bộ, công chức sẽ “chân trong nhỏ hơn chân ngoài”, chả biết tâm trí họ phụng sự đâu chính, đâu phụ. Ông đề nghị thiết kế lại bản phân chia ngân sách theo hướng tách riêng tiêu chí tiền lương, các khoản đảm bảo an ninh xã hội rồi mới phân bổ vào các mục khác như đầu tư xây dựng cơ bản, trả nợ...

Một vài ngày tới, Chính phủ họp, thống nhất xong mới trình Quốc hội thảo luận tiếp và thông qua bản dự toán.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm