Dự thảo sửa đổi hiến pháp: Đề xuất ba thiết chế độc lập

Dự thảo sửa đổi hiến pháp: Đề xuất ba thiết chế độc lập ảnh 1

Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Đinh Xuân Thảo nói:

- Ngày 18-8, ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã trình dự thảo sơ bộ hiến pháp (sửa đổi) để Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp cho ý kiến lần đầu tiên. Theo đó, so với hiến pháp hiện hành, dự thảo sơ bộ hiến pháp (sửa đổi) giảm hai chương (theo hướng sáp nhập) và tăng thêm một chương. Cụ thể: chương XI về “Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thủ đô, ngày Quốc khánh” được nhập vào chương I “Nước CHXHCN Việt Nam - chế độ chính trị”; chương III về “Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ” được nhập vào chương II “Chế độ kinh tế”. Tăng thêm một chương về các thiết chế độc lập, bao gồm: hội đồng hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước.

"Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là để thể chế hóa kịp thời đường lối, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã được xác định trong cương lĩnh chính trị và các văn kiện khác của Đại hội Đảng lần thứ XI, chứ không chỉ tập trung chủ yếu vào một vấn đề cụ thể nào đó"

Ông Đinh Xuân Thảo

* Xin nêu cụ thể về các thiết chế độc lập?

- Thiết chế độc lập ở đây được hiểu tương tự như Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập nhưng không phải ủy ban của Quốc hội, mà hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Hội đồng hiến pháp được dự kiến là hội đồng do Quốc hội thành lập và có chức năng xem xét tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật như các luật, pháp lệnh, nghị định... Ví dụ, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu thấy văn bản quy phạm pháp luật nào không phù hợp với hiến pháp, hội đồng này sẽ kiến nghị cơ quan ban hành xem xét lại, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản đó. Hội đồng hiến pháp còn có chức năng xem xét các điều ước quốc tế mà VN tham gia ký kết có phù hợp với hiến pháp và pháp luật hay không, hội đồng hiến pháp cũng có thể sẽ thực hiện giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh...

Về hội đồng bầu cử quốc gia, đây là hội đồng được Quốc hội thành lập để tổ chức việc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Những người tham gia ứng cử sẽ không tham gia hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia đứng ra giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình bầu cử như khiếu nại, xem xét công nhận tư cách đại biểu Quốc hội...

* Với việc đề xuất thành lập hội đồng hiến pháp thì người dân sẽ được bảo vệ các quyền cơ bản của mình như thế nào?

- Đã có đề xuất hội đồng hiến pháp sẽ có cả chức năng xem xét các khiếu nại về vi phạm hiến pháp... Như vậy bất cứ văn bản nào trái với hiến pháp trên tất cả các nội dung, lĩnh vực mà hiến pháp đề cập đến, trong đó có nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì hội đồng hiến pháp sẽ xem xét và có kiến nghị theo chức năng của mình.

Trong quá trình thảo luận về sửa đổi hiến pháp, nhiều ý kiến cho rằng khi đã quy định quyền công dân trong hiến pháp thì cần xác định luôn cơ chế thực hiện. Lần này mở ra một hướng tiếp cận là quy định các cơ chế để đảm bảo việc thực thi các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ví dụ như hiến pháp hiện hành quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”, nay có ý kiến đề nghị nên bỏ phần phía sau “theo quy định của pháp luật”, hoặc ghi rõ là “theo quy định của luật” bởi vì “pháp luật” thì được hiểu là còn có các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư...

Một ví dụ khác, hiến pháp hiện hành quy định “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. Giả sử HĐND địa phương nào đó ra nghị quyết hạn chế quyền cư trú của công dân ngoại tỉnh, sau đó giải thích rằng văn bản được HĐND thông qua cũng được xem là văn bản quy phạm pháp luật, nghĩa là “quy định của pháp luật”.

Trong ví dụ này, nếu như hiến pháp quy định rõ “theo quy định của luật”, hội đồng hiến pháp có thể xem xét theo hướng văn bản được HĐND địa phương đó thông qua là không phù hợp với hiến pháp, vì nghị quyết của HĐND là văn bản dưới luật.

* Ngoài các nội dung nêu trên, dự thảo sơ bộ hiến pháp (sửa đổi) lần này còn tập trung sửa đổi những nội dung nào khác?

- Trong quá trình vừa qua, các ý kiến đóng góp rất đa dạng, phong phú và có nhiều nội dung khác nhau, trong đó nổi lên một số nhóm vấn đề nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất. Tôi xin nêu ba vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, về chủ quyền nhân dân, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định rõ hơn các quyền của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đơn cử như làm rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân, không những thông qua cơ chế dân chủ đại diện mà còn cả cơ chế dân chủ trực tiếp. Quyền dân chủ trực tiếp được thể hiện ở các hoạt động như bầu cử, ứng cử, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (thông qua trưng cầu ý dân)...

Thứ hai, về tổ chức quyền lực, về vấn đề xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp nhưng phải phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Lần này, ngoài việc xác định Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp, còn xác định rõ Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Thứ ba là về chế độ kinh tế, hướng hiện nay là quy định gọn lại, đảm bảo những nguyên tắc chung.

* Vừa qua Bộ Chính trị đã đồng ý cho phép TP.HCM và Đà Nẵng triển khai thực hiện thí điểm đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Việc sửa đổi hiến pháp có tính đến vấn đề này?

- Chủ trương “xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp” đã có. Tuy nhiên, một số vấn đề cụ thể liên quan đến việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị đang có ý kiến khác nhau. Chúng ta cũng đang thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Đã có đề xuất là hiến pháp sẽ có những quy định mang tính nguyên tắc chung và mở, tạo sự linh hoạt để sau này những vấn đề cụ thể liên quan đến chính quyền đô thị sẽ được quy định trong luật.

* Khi nào sẽ công bố dự thảo hiến pháp sửa đổi?

- Trước mắt, trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại phiên họp ngày 18-8, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ đạo ban biên tập tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo; thể hiện vào văn bản những vấn đề đã được ủy ban thống nhất cao. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, ban biên tập cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án để ủy ban xem xét, quyết định. Dự thảo sơ bộ hiến pháp (sửa đổi) sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10.

Dự kiến dự thảo hiến pháp (sửa đổi) sẽ được công bố lấy ý kiến nhân dân vào khoảng tháng 2, tháng 3-2013, đến tháng 5-2013 tiếp tục trình Quốc hội và tháng 10-2013 Quốc hội sẽ xem xét, thông qua.

Theo Võ Văn Thành thực hiện (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm