Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Nâng cao vị thế tòa án

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Nâng cao vị thế tòa án ảnh 1
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao - Chánh án TAND Quân sự Trung ương, thành viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) (ảnh), cho biết:

+ Đọc các nghị quyết của Đảng từ trước đến nay thì cơ quan tư pháp đông lắm: tòa án, VKS, điều tra, thi hành án... Giờ qua thảo luận, thống nhất khẳng định trong dự thảo sửa đổi HP, tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, còn các cơ quan khác như VKS, cơ quan điều tra chỉ là thực hiện một số hoạt động tư pháp - chứ không phải quyền tư pháp. Cũng giống Chính phủ soạn thảo các dự án luật trình QH, rồi tự ban hành nghị định - cũng là văn bản quy phạm pháp luật - nhưng có ai bảo Chính phủ thực hiện quyền lập pháp đâu. Chính phủ có tham gia vào hoạt động lập pháp nhưng quyền lập pháp là QH - nơi quyết định ban hành luật.

Ngoài ra, chúng tôi cũng thống nhất là cần khẳng định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và tiếp tục kế thừa HP hiện hành, khẳng định QH thực hiện quyền lập pháp. Đây là vấn đề rất lớn cần nhận thức chính xác, thống nhất. Được như vậy, sau này sẽ mở ra khả năng thể chế hóa dần dần các nội dung của quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thống nhất cao về vai trò của tòa

. Nội dung của quyền tư pháp là gì và quá trình thảo luận diễn ra thế nào, thưa ông?

+ Tư pháp là quyền ra phán quyết mang tính nhà nước với các vi phạm pháp luật, tranh chấp pháp lý trong xã hội.

Từ lần sửa HP năm 2001, bổ sung nội dung “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” thì đã bàn cãi cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp rồi. Ban đầu, vấn đề này còn mới mẻ, còn tranh cãi chứ về sau, nhất là khi chuẩn bị sửa HP lần này, đều thống nhất là tòa án thực hiện quyền tư pháp. Kể cả các chuyên gia ở VKS cũng thừa nhận như vậy.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Nâng cao vị thế tòa án ảnh 2

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp bổ sung nhiều nội dung nâng cao vị thế tòa án. Trong ảnh: Một phiên xử lưu động của TAND quận Tân Phú tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn nhận rằng hiện tại QH, Chính phủ, TAND còn nhiều hoạt động giao thoa, làm chưa đúng chức năng. Hiện tượng cơ quan lập pháp đi làm những việc của hành pháp, hành pháp làm những việc của tư pháp vẫn còn phổ biến. Chẳng hạn, QH nhiều khi ban hành những nghị quyết có nội dung điều hành chính sách - việc lẽ ra là của Chính phủ. Còn Chính phủ thì ra những nghị định mà lẽ ra phải là luật do QH ban hành. Rồi Chính phủ lại xử phạt - việc lẽ ra là của tòa án, trong khi tòa án lại có thẩm quyền khởi tố vụ án - chức năng vốn thuộc hành pháp.

Vấn đề này sẽ phải giải quyết dần dần bằng việc sửa các luật liên quan.

. Trong kết cấu dự thảo HP, lập pháp (tức QH) có một chương riêng, hành pháp (tức Chính phủ) cũng vậy. Nhưng tư pháp, dù khẳng định là tòa án nhưng nội dung chương lại gồm hai tổ chức: TAND và VKSND. Tại sao vậy?

+ Nếu theo tinh thần Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp thì định hướng nghiên cứu là chuyển VKS thành viện công tố. Mà viện công tố thì có thể đặt ở Chính phủ hoặc thậm chí như một số nước, đặt tại tòa - kiểu tòa buộc tội.

Lần sửa HP này chưa đạt thống nhất ở cấp cao để giải quyết dứt điểm vị thế VKS. Tuy vậy đã có sự phân biệt rõ hơn giữa tòa án và VKS bằng các điều tách biệt: năm điều đầu tiên quy định về TAND, bốn điều tiếp theo quy định về VKS, thay vì để chung một điều như HP hiện hành.

Cá nhân tôi cho rằng không nên để chung một chương như vậy. TAND nên được quy định trong một chương riêng, đúng tính chất nhánh quyền lực về tư pháp, có vị thế ngang bằng như hành pháp, lập pháp. Đồng thời, nên hiến định TAND Tối cao chỉ gồm 15 thẩm phán, vị thế tương đương thành viên Chính phủ - tức do QH phê chuẩn, Chủ tịch nư?c b? nhi?m.

ớc bổ nhiệm.

Mở đường cho tòa xử vi cảnh, phát triển án lệ…

. Ngoài việc khẳng định tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, dự thảo sửa đổi HP có bổ sung, làm rõ hơn các quy định đảm bảo cho tòa án thực hiện được đúng, đủ chức năng đó không?

+ Có một số bổ sung, sửa đổi, vài chữ thôi nhưng rất quan trọng.

Chẳng hạn, HP hiện hành quy định “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, nay bổ sung thêm: “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm”. Đây sẽ là căn cứ hiến định quan trọng, có sức nặng để các luật tố tụng sau này cụ thể hóa.

Dự thảo cũng bổ sung “nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”. Chúng ta đang theo mô hình tố tụng thẩm vấn, giờ quy định tranh tụng thành một nguyên tắc hiến định sẽ tạo cơ sở để tăng cường tranh tụng trong xét xử.

Ngoài ra, trong dự thảo có những quy định nới rộng hơn, phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, vẫn khẳng định “TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số” nhưng bổ sung thêm “trừ trường hợp do luật định”. Như vậy tiến tới có thể thực hiện những phiên xử một thẩm phán, chẳng hạn nếu sau này mở rộng thẩm quyền của tòa án trong việc xử vi cảnh - kiểu như phán quyết về xử phạt hành chính.

Đáng chú ý, nhiệm vụ tổng quát của tòa án cũng được làm rõ hơn: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Cách diễn đạt này là rất mới so với HP hiện hành: “…bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”. Cách diễn đạt trong dự thảo không chỉ đúng đắn hơn về ngôn ngữ lập hiến mà còn đặt ra nhiệm vụ cho các luật sau này cụ thể hóa đầy đủ, chính xác tinh thần HP.

. Chánh án TAND Tối cao vừa phê duyệt đề án phát triển án lệ, trong đó đặt mục tiêu đưa vấn đề này vào HP để mở đường cho án lệ vào hoạt động xét xử. Ở khía cạnh này, dự thảo HP sửa đổi có bước tiến nào không?

+ Ban Biên tập có thảo luận nội dung này nhưng chưa đi tới thống nhất cao nên trong dự thảo không có từ “án lệ” nào cả. Tuy nhiên, có bổ sung cho TAND Tối cao nhiệm vụ “thực hiện tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. “Bảo đảm” ở đây sẽ được hiểu rộng hơn, có thể bằng ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất và cũng có thể bằng phát triển “án lệ”. Hy vọng các luật liên quan sẽ được sửa đổi theo hướng này.

. Xin cảm ơn ông.

Còn lúng túng về VKS

. Như ông nói thì lần sửa đổi này chưa đạt thống nhất để giải quyết dứt điểm vị thế VKS. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

+ PGS-TS Trần Văn Độ: Tôi nghĩ là do còn lúng túng về xác định vị trí của VKS, chủ yếu do giao chức năng chưa rõ ràng. VKS hiện tại có hai chức năng - thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp - mà lẽ ra không nên gắn với nhau. Kiểm sát hoạt động tư pháp chỉ là giám sát từ bên ngoài, giống giám sát của QH và cơ quan dân cử vậy. Như thế, nên coi đó là một phần của chức năng giám sát giữa các nhánh quyền lực mà Cương lĩnh 2011 đã đặt ra.

Cho nên nếu thấy cần có một cơ chế giám sát với hoạt động tư pháp, kể cả giám sát hành pháp, thì nên thiết lập thêm một bộ máy của QH thực hiện chức năng kiểu như kiểm sát chung trước đây. Nhưng phạm vi giám sát phải rộng hơn: kiểm sát chung trước chỉ kiểm sát văn bản, còn cơ quan chuyên trách về giám sát của QH phải giám sát cả hoạt động nữa.

. Trên diễn đàn QH đã có những ý kiến cho rằng nên khôi phục chức năng kiểm sát chung cho VKS. Ông nghĩ thế nào?

+ Các nghiên cứu vừa qua cho thấy hành pháp mới là lĩnh vực cần kiểm sát quyền lực nhất. Tự thân hành pháp đã có cơ chế giám sát nội bộ - bằng thiết chế thanh tra chẳng hạn - nhưng rất nhiều vi phạm pháp luật, hậu quả lớn vẫn xảy ra. Đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn tới những đề xuất khôi phục chức năng kiểm sát chung.

Nhưng như phân tích ở trên, dù có khôi phục kiểm sát chung thì cũng không nên gắn với chức năng công tố. Tôi nghĩ thích hợp nhất là tách phần thực hiện chức năng công tố của VKS sang cho Chính phủ. Vì thực hành công tố chính là một nội dung của hành pháp: hành pháp có nhiệm vụ duy trì trật tự, ai vi phạm pháp luật thì bị điều tra, truy tố ra tòa. Còn phần kiểm sát tư pháp hoặc rộng hơn là kiểm sát chung thì củng cố, chuyển sang thành cơ quan thuộc QH. Như thế sẽ không còn một VKS như hiện nay nữa nhưng lại phân công được rõ hơn, có bộ máy chuyên trách để QH thực hiện chức năng giám sát. 

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.