Dự thảo nghị định quản lý hội: Đại diện các hội không đồng tình

Sáng qua, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 88/2003 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Dự thảo có thay đổi quan trọng nhất là hội được tăng thêm một số quyền như phản biện và giám định, cung cấp dịch vụ công, đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề, đại diện bảo vệ quyền lợi của hội viên trong các tranh chấp...

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đã không tách bạch các loại hình hội. “Với các tổ chức do Đảng, nhà nước thành lập hoặc có dính dáng đến nhiệm vụ của nhà nước giao thì sao lại coi ngang hàng với các hội nghề nghiệp như Hội Người mẫu được?” - ông Kim Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Vĩnh Phúc, nêu ý kiến.

Theo ông Hồ Quang Long (Hải Dương), một số hội không biết mình chịu sự điều chỉnh của văn bản pháp luật nào. Ví dụ Hội Văn học nghệ thuật không nằm trong nhóm đối tượng miễn trừ của Nghị định 88, dù tổ chức này do nhà nước thành lập chứ không phải do các hội viên tự thành lập, được nhà nước cấp tiền để hoạt động. Cạnh đó, việc cấp kinh phí cho các hội cũng không công bằng.

Theo PGS-TS Hồ Uy Liêm, quyền Chủ tịch VUSTA, trong dự thảo chưa đến 40 điều khoản đã có hơn 20 cụm từ “theo quy định của Bộ Nội vụ” kèm theo. Ông lo lắng nội dung văn bản gốc sẽ còn bị “biến dạng” vì các thông tư hướng dẫn.

TS Hàn Mạnh Tiến (Viện Nghiên cứu và đào tạo về quản lý) cho rằng quy định muốn thành lập hội phải xin phép là không hợp lý, chỉ cần đăng ký là đủ. Quy định không chấp nhận doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp nước ngoài làm hội viên chính thức, theo ông Tiến cũng chưa ổn. “Nếu họ hội đủ các yếu tố của hội nhất định thì chẳng có lý gì từ chối”.

Ông Tiến kể thêm một câu chuyện về việc quy định cứng nhắc: Theo văn bản, muốn thành lập Hội cấp huyện thì phải có chữ ký của 20 thành viên. Ở một huyện của Hải Phòng, những người mù muốn thành lập hội Người mù, thế nhưng chỉ tìm thấy có 19 người. Vậy là suốt nhiều năm nay, 19 người mù không được công nhận là một hội.

Về quy định việc cơ quan chức năng phê duyệt điều lệ, ông Liêm nói: “Các hội tổ chức đại hội xong, nhất trí thông qua điều lệ, sau đó gửi lên cơ quan chức năng rồi chờ đến cả hai năm mới nhận được bản chỉnh sửa, chẳng còn giữ được tiêu chí như đại hội đã thông qua. Mà trong thời gian đợi phê duyệt điều lệ, hội phải ngồi im, không có hoạt động gì”.

Theo ông Hồ Uy Liêm, trước đây, sau khi nhận thấy Nghị định 88 và thông tư hướng dẫn có nhiều nội dung không hợp lý, các hội đã nhiều lần phản ánh lên Bộ Nội vụ nhưng không được ghi nhận. Đại diện Bộ Nội vụ - cơ quan soạn thảo văn bản này không có mặt trong cuộc hội thảo lấy ý kiến.

Kết luận buổi thảo luận, GS-TSKH Nguyễn Hữu Tăng - Phó Chủ tịch VUSTA nêu đề nghị: VUSTA đại diện cho các hội, hiệp hội không đồng ý với nội dung dự thảo nghị định do Bộ Nội vụ soạn thảo và kiến nghị việc soạn thảo văn bản này sẽ được một bộ khác tiến hành. Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đã đồng ý với lời “gút” này.

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm