Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Còn một tháng để nhân dân góp ý

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 1-2 (đến hết ngày 31-3). Sáng 28-2, tại buổi họp báo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự luật này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển đã dành cả buổi sáng để trả lời báo chí về những điểm mới cơ bản của dự thảo.

Sẽ tổng hợp, báo cáo đầy đủ với Quốc hội

. Pháp Luật TP.HCM: Nguyện vọng, góp ý của nhân dân sẽ được ban soạn thảo xem xét, xử lý như thế nào? Việc tổ chức lấy ý kiến chỉ còn một tháng nữa có đảm bảo huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân một cách đầy đủ hay không?

+ Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Từ năm 2010 đến 2011, chúng ta đã thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 và tổng kết Nghị quyết 26 (NQ 26/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước). Toàn bộ vướng mắc, ưu khuyết điểm đã được đánh giá tương đối đầy đủ trong một thời gian tương đối dài. Dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá đó chúng ta xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Sau quá trình lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ sẽ có báo cáo đầy đủ các góp ý sang Quốc hội, trong đó nêu rõ ý kiến nào tiếp thu, phải sửa trong luật, ý kiến nào không tiếp thu cũng phải giải trình cụ thể.

. Tuổi Trẻ:Việc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được tiến hành, trong đó có nhiều ý kiến đề nghị ghi nhận quyền sở hữu đất trong Hiến pháp. Điều này được xem xét thế nào trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi?

+ Đất đai là sở hữu toàn dân, cái Nhà nước trao cho người sử dụng đất là quyền sử dụng chứ không phải là quyền tài sản, quyền sở hữu. Quyền tài sản ở đây phải được hiểu dưới góc độ quyền sử dụng đất và đã được quy định đầy đủ trong Luật Đất đai 2003 và lần này tiếp tục được cụ thể hóa hơn. Một số loại đất quy định rõ quyền sử dụng gần như tương đương với quyền sở hữu nhưng có kèm điều kiện sử dụng. Lần này trong Luật sửa đổi có hẳn một mục quy định các điều kiện để thực hiện quyền sử dụng đất mà Nhà nước trao cho người dân. Ví dụ: Trong chính sách đất cho đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có quy định người được cấp trong vòng 10 năm mới được sử dụng quyền mua bán, cho tặng…

Quy định chặt, chế tài cụ thể

. Nông Nghiệp Việt Nam: Vừa qua nhiều địa phương thu hồi đất nông nghiệp tràn lan để làm dự án nhưng rồi lại để hoang hóa, việc này sẽ được khắc phục như thế nào?

+ Chúng ta sẽ thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm, với các dự án phát triển kinh tế phải thông qua HĐND địa phương (trước đây thuộc thẩm quyền của UBND). Nhà đầu tư phải đảm bảo các điều kiện về năng lực tài chính, phải ký quỹ… Các quy định sẽ chặt hơn đối với cả phía cơ quan quản lý và chủ đầu tư.

. Nhiều báo hỏi: Người dân đang rất quan tâm tới định giá đất. Nguyên tắc định giá đất hiện có những bất cập nào và hướng giải quyết trong dự thảo? Có nhiều ý kiến cho rằng để xác định giá đất trong bồi thường thì nên tổ chức đấu giá, quan điểm của Bộ về việc này?

+ Theo luật 2003, bảng giá áp dụng cho tất cả các mục đích, kể cả thuế, phí, xử lý hành chính... Nhưng khi thực hiện vài năm thấy không ổn vì thuế quá thấp, tiền sử dụng đất thấp, rồi dự án bồi thường thấp quá, dân không chịu. Ta sẽ tách ra, liên quan tới thuế, phí, cấp giấy chứng nhận thì cho sử dụng bảng giá đất. Còn thuê, giao, bồi thường, cổ phần hóa doanh nghiệp thì áp dụng phương pháp cụ thể và cho phép vượt khung (có địa phương tính thêm hệ số). Đấu giá là tốt nhưng phải chuẩn bị các điều kiện về đất sạch, phải có quy hoạch tốt rồi mới tổ chức đấu giá…

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được đăng tải công khai tại địa chỉ: http://www.monre.gov.vn/v35/default.aspx?tabid=671&CateID=169. Người dân có thể góp ý bằng văn bản gửi về: Tổng cục Quản lý đất đai (số 10 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội) hoặc gửi email qua địa chỉ gopyluatdatdai@gmail.com.

TRỌNG PHÚ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm