Dự án Luật Tiếp cận thông tin: Muốn bưng bít thông tin cũng không được

Ngày 26-6, website của Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) đăng tải toàn văn dự thảo lần thứ nhất dự án Luật Tiếp cận thông tin và tờ trình kèm theo để lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), số 58-60 Trần Phú, Hà Nội chậm nhất là ngày 9-7 tới. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu đến bạn đọc những nội dung đụng chạm sát sườn đến quyền được biết của công dân để bạn đọc tiện theo dõi.

Thông tin quy hoạch: Không còn là hàng hiếm

Theo dự luật, nhiều loại thông tin bắt buộc cơ quan chức năng phải chủ động công bố công khai rộng rãi cho dân biết mà không cần có sự yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Đó là các văn bản pháp luật, dự thảo văn bản pháp luật, các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc là một bên ký kết, tham gia. Thông tin về quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội, các khoản dân đóng góp, các loại quỹ công ích cũng sẽ không còn là hàng hiếm nữa. Đặc biệt, thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm... cũng bắt buộc phải công khai.

Để việc tiếp cận thông tin cho người dân được nhanh chóng, thuận lợi, dự luật ràng buộc cơ quan nắm giữ thông tin phải sử dụng website để công khai thông tin trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn, dự thảo văn bản pháp luật, tình hình quản lý, sử dụng ngân sách, báo cáo kiểm toán phải được đăng trên website ít nhất là 60 ngày.

Vì lợi ích công: Được tiết lộ bí mật đời tư

Ngoài những thông tin các cơ quan chức năng nắm giữ phải tự động công bố, những thông tin khác không thuộc diện cấm thông tin sẽ được cung cấp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Tương tự, các thông tin về tình hình giải quyết công việc theo yêu cầu của người dân; thông tin về tiếp thu, giải trình ý kiến của người dân cũng được cung cấp khi có yêu cầu.

Dự luật cũng quy định về cách thức cung cấp các loại thông tin bí mật sau khi đã được “giải mật”. Theo đó, thông tin về bí mật nhà nước đã được “giải mật” cũng được cung cấp khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Đối với thông tin thuộc bí mật đời tư cá nhân, bí mật kinh doanh, cơ quan nắm giữ thông tin chỉ được cung cấp nếu được sự đồng ý của cá nhân đó hoặc bên có quyền đối với bí mật kinh doanh. Thông tin liên quan cá nhân đã chết hơn 30 năm cũng sẽ được cung cấp theo yêu cầu, trừ khi pháp luật có quy định khác.

Cá biệt, cơ quan nắm giữ thông tin thuộc bí mật đời tư, bí mật kinh doanh được cung cấp các thông tin này nếu nhận thấy việc cung cấp thông tin là cần thiết nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ lợi ích cộng đồng, nếu không cung cấp thì lợi ích công sẽ bị phương hại.

Vụ án đang điều tra: Không được tiếp cận

Những thông tin tổ chức, cá nhân không được tiếp cận bao gồm: Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, bí mật kinh doanh. Ngoài ra, dự luật nêu rõ một số loại thông tin chưa được tiếp cận (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) là thông tin trong các quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; thông tin có trong hồ sơ, tài liệu đang trong quá trình soạn thảo. Những thông tin đã được công bố công khai trên website, số lượng thông tin yêu cầu cung cấp quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng... sẽ bị từ chối cung cấp.

Siết thời hạn cung cấp thông tin

Người dân có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng cách đến trực tiếp, qua điện thoại, thư, e-mail, fax... nêu đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, nội dung cần thông tin, hình thức cung cấp thông tin. Cơ quan nhận được yêu cầu của dân phải vào sổ theo dõi. Trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày từ khi nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan chức năng phải thông báo cho người dân về quyết định chấp nhận hay từ chối cung cấp. Nếu chấp nhận, trong vòng bảy ngày sau phải cho người dân tiếp cận thông tin (trường hợp miễn thu phí). Nếu không có thông tin thì phải trả lời cho người dân trong năm ngày làm việc từ khi nhận được yêu cầu.

Sẽ hết chỉ qua chỉ lại?

Dự luật ghi rõ các cơ quan sau có trách nhiệm cung cấp thông tin:

- Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, văn phòng Quốc hội.

- Văn phòng Chủ tịch nước.

- Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan được tổ chức theo ngành dọc trực thuộc bộ...

- Tòa án, viện kiểm sát các cấp.

- HĐND, UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Dự luật chưa tiên liệu tình huống cùng một thông tin mà có nhiều cơ quan quản lý như kiểu “Một cây xúc xích, bốn bộ... nhúng tay!” về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà Pháp Luật TP.HCM từng thông tin. Hoặc cùng một thông tin như vụ sữa thiếu đạm thì phải định rõ cấp nào có trách nhiệm công bố công khai, Sở Y tế hay Bộ Y tế? Ban soạn thảo cần bổ sung vấn đề này vào dự luật hoặc đưa vào dự thảo nghị định hướng dẫn luật để hạn chế tình trạng chỉ qua chỉ lại mà không ai chịu đứng ra cung cấp thông tin cho người dân.

UBND xã cũng phải có website

Các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập website. HĐND và UBND cấp huyện, HĐND và UBND cấp xã cũng sẽ có website. Các website trên phải lập xong trước ngày Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực (dự kiến là ngày 1-7-2012). Chậm nhất trước ngày 1-7-2016, website của HĐND và UBND cấp xã phải lập xong. Các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin phải lập danh mục và công bố những thông tin được tiếp cận do cơ quan mình nắm giữ lẫn những thông tin phải công khai rộng rãi.

BÌNH AN giới thiệu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm