Dự án Ba Lai (Bến Tre): Ngưng bồi thường, dân "méo mặt"

Hơn 220 hộ dân vùng bị giải tỏa trong dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre điêu đứng vì tỉnh này đột ngột tạm hoãn trả tiền bồi thường các gói thầu số 6, 7, 8 (giai đoạn hai) của dự án nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai. Theo tỉnh, việc chậm trả tiền bồi thường vì không có vốn.

Kẹt tiền lại ứng 50% cho nhà thầu

Từ đầu năm 2010 huyện Châu Thành (Bến Tre) đã kê biên tài sản, vật kiến trúc, hoa màu, diện tích đất bị giải tỏa cho giai đoạn hai của dự án. Lúc ấy chủ đầu tư là Sở NN&PTNT tuyên bố với dân: “Dự án sẽ triển khai trong năm 2010, bà con không được chăm sóc hoặc trồng cây ăn trái lâu năm, tự di dời các cơ sở sản xuất, nhà ở để giao mặt bằng cho đơn vị thi công…”.

Sau đó người dân nhận bảng chiết tính bồi thường và đốn hạ cây ăn trái bán củi, di dời số cây trồng còn nhỏ. Hai bên bờ sông Ba Lai, người dân không gia cố hệ thống đê làm nước tràn sâu vào bên trong gây ngập úng cả trăm hecta cam, bưởi, nhãn… của những hộ dân liên kế nằm ngoài vùng dự án.

Đến nay đã quá thời hạn triển khai dự án bảy tháng, tỉnh đột ngột thông báo cho các hộ dân nằm trong dự án của gói thầu số 6 là tạm hoãn việc giải ngân tiền bồi thường vì tỉnh… kẹt tiền. Điều này làm các hộ dân vào cảnh túng quẫn, nợ nần vì họ phải đi cầm cố, vay mượn và chịu lãi suất…

Dự án Ba Lai (Bến Tre): Ngưng bồi thường, dân "méo mặt" ảnh 1

Trên 220 hộ dân dọc theo sông Ba Lai nằm trong gói thầu số 6 bỏ hoang vườn tược để giao mặt bằng nhưng chính quyền lại trì hoãn bồi thường. Ảnh: T.PHÚC

Trong khi không có đủ vốn bồi thường cho dân ở gói thầu số 6 và hai gói thầu số 7, 8 chưa tiến hành kê biên nhưng trong năm 2010 Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã ứng trước 50% tổng giá trị trúng thầu cho ba nhà thầu thi công (gần 20 tỉ đồng). Mới đây, tỉnh đề nghị thu hồi hơn 11,5 tỉ đồng tạm ứng cho các nhà thầu nhưng họ chưa trả.

Kiệt sức vì nợ nần

Hơn 100 hộ dân ở hai ấp Phước Thạnh 1, Phước Thạnh II, xã Thành Triệu lâm cảnh túng quẫn. Ông Nguyễn Văn Phận, Bí thư Chi bộ ấp Phước Thạnh 1, nói: “Bà con đang nợ nần chồng chất! Cứ nghĩ Nhà nước sẽ trả tiền trong năm 2010 nên các hộ mang sổ đỏ vay ngân hàng để cất nhà mới, sang đất, bỏ hoang vườn tược. Giờ nợ nần khiến ai cũng ngất ngư”. Bản thân ông Phận cũng bị giải tỏa hơn 4.000 m2 đất trồng cam và nhãn. Ông phải vay ngân hàng sang 1.500 m2 đất vườn và đang chịu gần 2 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng. “Khi vận động để người dân giao mặt bằng, tỉnh hứa sẽ trả tiền bồi thường liền. Giờ lại hoãn vì không có vốn, làm sao ăn nói với người dân đây?” - ông Phận than.

Hộ ông Trần Ngọc Thanh, ấp Phước Thạnh 1, bị giải tỏa gần như trắng. Ông Thanh đi sang đất thì người sang đất nêu rõ trong hợp đồng: Sau thời điểm giao tiền cọc, trong vòng sáu tháng mà ông Thanh không trả đủ tiền phải trả thêm năm chỉ vàng. Đến nay đã gần 18 tháng, ông Thanh vẫn chưa có tiền để trả, hai bên phải thỏa thuận lại. Ông đang lo ngại chủ đất đòi hủy hợp đồng mua bán, sẽ mất hết tiền cọc!

Các hộ dân xã Phú Túc cũng lâm cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Đằng, ấp Phú Khương, nói: “Chúng tôi tha thiết mong Nhà nước phải xem xét gỡ rối cho dân. Chúng tôi kiệt sức rồi!”.

Bao giờ mới giải ngân?

Tại buổi công bố văn bản tạm hoãn giải ngân các gói thầu ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, cam kết với các hộ dân sẽ giải ngân trong quý I-2012. Ông cũng đề nghị chính quyền các xã lập danh sách hộ dân thật sự khó khăn, đề xuất hỗ trợ.

Theo ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, “Những khó khăn và bức xúc của dân trong vùng dự án là có. Riêng gói thầu số 6, huyện đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư trên 47 tỉ đồng nhưng năm 2011, trung ương chỉ đầu tư cho dự án có 10 tỉ đồng, không đủ để giải ngân… Chúng tôi đã bàn với lãnh đạo tỉnh, Sở Tài chính và chủ đầu tư dự án Ba Lai phải tính toán tạm ứng nguồn vốn khác, có kế hoạch giải ngân cho các hộ dân gói thầu số 6 ngay trong năm nay. Riêng gói thầu số 7, 8 có thể chậm lại vì chưa tiến hành kê biên, xác định mức bồi thường”.

Trong các dự án, việc bồi thường giải phóng mặt bằng là khâu nan giải. Và khi người dân đã đồng thuận giao mặt bằng, tỉnh lại trì hoãn trả tiền bồi thường. Điều này rất dễ xảy ra khiếu kiện. Thiết nghĩ, tỉnh Bến Tre cần có giải pháp để bồi thường nhanh cho người dân.

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm