Đóng góp của Nhân dân và cam kết của Đảng

70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đây là thời khắc đầy ý nghĩa giúp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Hiểu sâu sắc những giá trị lịch sử không chỉ làm tăng thêm lòng tự hào về quá khứ, mà quan trọng hơn là để chúng ta thấu hiểu con đường đang đi tới trong tương lai. Việc kỷ niệm này càng có ý nghĩa khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII - nơi quyết định đường hướng phát triển đất nước những năm tới.

Có dân là có tất cả

Ý nghĩa của sự kiện Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 lớn lao ở chỗ đây không chỉ là thắng lợi vĩ đại của một cuộc cách mạng mà lớn hơn thế, đó còn là mốc son trong toàn bộ tiến trình lịch sử, đánh dấu thành quả đấu tranh ròng rã suốt 60 năm của cả dân tộc kể từ khi nền độc lập bị rơi vào tay thực dân Pháp, sau kinh đô Huế thất thủ vào năm 1885.

Trên một phương diện khác, dù cho ý nghĩa của thắng lợi năm 1945 có lớn lao đến đâu thì đó cũng mới chỉ là sự khởi đầu. Để có được hai chữ trọn vẹn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, chúng ta còn phải mất thêm 30 năm nữa với biết bao hy sinh gian khổ trong hai cuộc kháng chiến. Cái giá đắt mà dân tộc ta phải trả cho nền độc lập là không thể nào đo đếm được.

Bài học lớn nhất và cũng đắt giá nhất mà sự nghiệp Cách mạng Tháng Tám để lại cho hậu thế lại là một chân lý hết sức giản dị là có DÂN là có tất cả.

Thành tựu của sự nghiệp Đổi mới đã từng bước lấy lại lòng tin của dân với Đảng. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện chính xác tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: HỮU LUẬN

Lịch sử Việt Nam đã từng chứng kiến những chiến thắng oai hùng, không phải một lần, trước những đạo quân hung hãn và hùng mạnh nhất thế giới như quân xâm lược Mông-Nguyên, nhờ “trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” (lời Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn). Lịch sử cũng lại chứng kiến sự thất bại nhanh chóng của triều Hồ khi trong tay có cả triệu quân với những vũ khí có phần hiện đại hơn quân Minh và có cả một tòa thành kiên cố vào bậc nhất trong lịch sử Trung đại.

Nhà sử học lớn Trần Huy Liệu đã vô cùng sâu sắc khi đưa ra nhận định rằng một trong những nguyên nhân mất nước hồi cuối thế kỷ XIX của triều nhà Nguyễn là vì chính quyền đã sợ dân hơn sợ giặc.

Cách mạng Tháng Tám và lãnh tụ Hồ Chí Minh để lại một bài học lịch sử hoàn toàn tương phản với triều Nguyễn. Để có được thành công trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng lãnh đạo chủ yếu chỉ có dân với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ chỉ có vũ khí thô sơ không thể là đối thủ của đội quân viễn chinh nhà nghề đông đảo về số lượng, được trang bị vũ khí tối tân. Nguồn lực tài chính của chính quyền cách mạng non trẻ cũng gần như không có gì.

Vậy mà chúng ta đã có tất cả. Tất cả là ở nơi dân.

Ước nguyện của người dân về một nền độc lập thực sự, đã bị kìm nén gần một thế kỷ đã được Chính phủ cách mạng đem lại nên họ đã không tiếc của cải và tiền bạc, công sức và máu xương để góp phần gìn giữ nó.

Biết ơn dân và còn nợ dân rất nhiều

70 năm đã qua kể từ ngày cách mạng thành công và cũng đã hơn 30 năm chúng ta được hoàn toàn xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình. Nhưng để đạt được Tự do, Hạnh phúc của nhân dân đúng như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì còn rất nhiều điều phải trăn trở.

Hồ Chủ tịch từng nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ hiểu được giá trị của tự do, độc lập khi dân được ăn no mặc đủ”.

Từ đó đến nay, không kể một số sai lầm chúng ta phạm phải trong quá trình xây dựng và phát triển, việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong bối cảnh thế giới vô cùng phức tạp hiện nay vẫn còn là những thách thức hết sức lớn lao.

Thành công trong sự nghiệp đổi mới đã từng bước lấy lại được lòng tin của dân với Đảng nhưng so với mục tiêu người dân Việt Nam phải được ngẩng cao đầu trước thế giới với tư cách là công dân một nước giàu mạnh có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng còn nhiều việc phải làm cho dân.

Cùng với mệnh đề chúng ta thường nghe là “biết ơn Đảng”, đã đến lúc Dân phải được nghe nhiều hơn từ những người gánh nhận trọng trách trước đất nước và dân tộc những tiếng nói từ đáy lòng: Đảng, Chính phủ biết ơn Dân và còn nợ Dân rất nhiều.

_____________________________________

(* Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm