Đối thoại về PCTN: Nhấn mạnh vai trò xã hội dân sự và báo chí

Các nhà tài trợ quốc tế vốn cam kết cung cấp những khoản vay ưu đãi hàng tỷ USD mỗi năm cho Việt Nam, hôm qua (29-5), đã tiến hành cuộc đối thoại thường kỳ về phòng, chống tham nhũng (PCTN) với đại diện phía Việt Nam, gồm Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng...

Chính sách PCTN: Thực thi khó hơn ban bành

Bản thông báo do ông Lê Văn Lân, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN, trình bày khá chi tiết những việc mà các cơ quan chức năng Việt Nam đã làm, từ tuyên truyền, giáo dục về PCTN, bước tiến hoàn thiện thể chế PCTN, thực hiện các giải pháp PCTN đã đề ra, cho đến kết quả các hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử tham nhũng.

Đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thông báo với các nhà tài trợ về các giải pháp tăng cường công khai, minh bạch và PCTN trong đầu tư công; các biện pháp khắc phục yếu kém, sơ hở trong đầu tư xây dựng....

Tuy nhiên, như phát biểu của Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman, các quốc gia tài trợ quan tâm nhiều hơn tới việc thực thi pháp luật PCTN, cũng như Chiến lược PCTN mà Thủ tướng Việt Nam vừa ký, hơn là việc ban hành các thể chế đó. “Như trước đây chúng tôi từng nói nhiều lần - luật pháp, chiến lược và chính sách tốt là cần thiết nhưng chúng không có ý nghĩa trừ khi được tuân thủ và thực hiện hiệu quả” - ông Bergman nhấn mạnh.

PCTN: Không phải việc riêng của chính quyền

Dẫn kết quả chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam 2009 về chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng” đã thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều cơ quan, tổ chức, hội đoàn trên cả nước, ông Bergman nhấn mạnh vai trò của các cấp cơ sở, của xã hội dân sự (XHDS) trong công cuộc PCTN. Đây cũng là vấn đề mà tất cả các nhà tài trợ quan tâm bày tỏ trong cuộc đối thoại.

Đại sứ và đại diện các nước Đan Mạch, Canada, Mỹ, Úc, Na uy và các tổ chức Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đặt yêu cầu rằng để thúc đẩy bài trừ tham nhũng, chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thu hút sự tham gia của XHDS và giới truyền thông vào sự nghiệp chung. Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa nhận xét: “Tôi nhận thấy mong muốn tham gia PCTN của dân chúng rất mạnh mẽ. Vấn đề là cần môi trường thuận lợi hơn để PCTN thực sự không chỉ là việc riêng của chính quyền”. Còn Đại sứ Mỹ Michael Michalak khẳng định phía Mỹ muốn hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn cho việc xây dựng pháp luật và chính sách về tự do báo chí, góp phần nâng cao vai trò và sự tham gia của giới truyền thông vào PCTN ở Việt Nam.

Đáp lại đề nghị trên, Tổng thanh tra Trần Văn Truyền khẳng định sự hoan nghênh của chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, và cho biết sẽ trao đổi riêng với phía Mỹ về đề xuất của Đại sứ Michalak.

Nhật Bản cung cấp thêm chứng cứ vụ PCI

Ông Lê Văn Lân (Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN) cho biết, đầu tháng 5 này, cơ quan tư pháp Việt Nam đã nhận được nhiều tài liệu từ phía Nhật Bản để phục vụ cho việc chứng minh, làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ trong vụ án Công ty PCI bị tình nghi lo lót 220 ngàn USD cho quan chức Ban quản lý dự án đại lộ Đông-Tây và Môi trường nước TP.HCM. Chưa cung cấp thêm kết quả điều tra nhưng ông Lân khẳng định: “Trong vụ án này, chính phủ Việt Nam luôn thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm