Đổi mới kỳ họp thứ 4 của QH: Tăng tranh luận, giảm tham luận

Tranh luận để đi đến cùng

Trình bày đề án cải tiến tổ chức và tiến hành kỳ họp QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn cho biết việc cải tiến này nhằm nâng cao trách nhiệm của Chính phủ và các ủy ban của QH. Theo đó, nội dung chương trình làm việc của các kỳ họp QH phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh tình trạng do không kịp chuẩn bị, phải xin rút dự án luật khỏi chương trình. Trong hoạt động thảo luận, ông Đàn cho rằng nên cải tiến theo hướng đối thoại, tranh luận, đi sâu vào làm rõ từng vấn đề.

Văn phòng QH cũng đề nghị tăng cường thảo luận tại tổ. Ngoài ra, đối với các báo cáo trình QH cũng nên trình bày tóm lược, ngắn gọn, nhấn mạnh nội dung cần thiết. “Nếu làm được như thế thì thời gian đọc báo cáo tại một kỳ họp sẽ giảm từ năm ngày xuống còn 2,5 ngày” - ông Đàn nói.

Tuy nhiên, điều Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phân vân là việc giảm thời gian đọc báo cáo và tăng thảo luận ở tổ có thực sự hiệu quả. “Lâu nay nhiều ý kiến cũng cho rằng nên thảo luận kỹ ở tổ, khi ra QH chỉ tranh luận những vấn đề lớn, trọng tâm nhưng thực tế thì ra QH vẫn thảo luận từ đầu” - ông Trọng nói. Cùng nỗi băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng không thể rút gọn mãi các báo cáo, nhất là đối với báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình. “Các phiên thảo luận của QH nên tăng tranh luận, giảm tham luận, vì chỉ có tranh luận mới đưa vấn đề đi đến cùng được” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Nên ra nghị quyết về giám sát

Tại kỳ họp này, QH sẽ dành thời gian đáng kể để thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2008 và quyết định nhiệm vụ năm 2009. Đặc biệt, QH sẽ giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007. “Đối với những vấn đề được QH giám sát tối cao thì nhất định phải có nghị quyết chứ chỉ kiến nghị thì chưa chắc Chính phủ đã tiếp thu” - bà Trương Thị Mai nói.

QH cũng dự kiến dành 2,5 ngày để chất vấn các thành viên Chính phủ, trong đó dành riêng nửa ngày để Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp (đây là thời gian kỷ lục đối với hoạt động trả lời chất vấn QH của Thủ tướng).

Dự kiến QH sẽ xem xét thông qua tám dự án luật và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Trong đó, có những dự luật được chú ý như Luật Cán bộ, công chức; Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Thi hành án dân sự; Luật Quản lý nợ khu vực công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Bồi thường nhà nước; Luật Báo chí; Luật Quy hoạch đô thị...

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm