Đoạn tuyệt thủy điện nhỏ

“Năng lượng điện có thể mua, có thể thay thế bằng nguồn năng lượng khác nhưng một khi rừng tự nhiên bị chặt đi thì không có cách gì phục hồi được, nhất là vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn” - đại biểu (ĐB) Trương Văn Vở (Đồng Nai) nhấn mạnh tại phiên QH thảo luận hội trường về quy hoạch tổng thể thủy điện (TĐ), chiều 13-11.

Ngăn chặn chặt cây sống, trồng cây chết

ĐB Danh Út (Kiên Giang) đặt hàng loạt câu hỏi: “TĐ đã làm ảnh hưởng đến bao nhiêu đất nông nghiệp, bao nhiêu đất rừng và trồng rừng được bao nhiêu? Vì sao làm TĐ gần 20 năm mà mãi năm 2013 Bộ NN&PTNT mới ban hành quy định về trồng rừng? Đây có phải là nguyên nhân khiến các dự án TĐ chần chừ không trồng rừng?”.

Theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM), nhiều chủ đầu tư dự án TĐ chủ yếu khai thác rừng, sang cả diện tích bên cạnh trong khi trồng rừng thay thế thấp. ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cũng cho rằng việc trồng rừng thay thế ít đã dẫn đến lũ lụt. “Vì vậy khi triển khai các dự án TĐ bắt buộc phải trồng đủ rừng, không thể đợi dự án xong mà rừng chưa trồng xong. Việc cho phép nộp tiền thay thế trồng rừng là kẽ hở để các chủ đầu tư lợi dụng “hủy diệt” rừng đầu nguồn” - ĐB Hoàng bày tỏ.

ĐB Trương Văn Vở đề nghị Chính phủ cần xác định thời gian hoàn thành rừng thay thế, nhất là rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn. “Phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng mà cử tri đang lo lắng là “chặt cây sống, trồng cây chết”. Bởi lẽ không thể thay thế gỗ rừng tự nhiên bằng trồng rừng gỗ cây tràm, cây keo” - ông Vở lưu ý.

Nhường đất nhưng 40 năm vẫn chưa có điện

Bức xúc trước những hậu quả do TĐ nhỏ gây ra thời gian qua, ĐB Hoàng nói: “Một thập niên bùng nổ TĐ, người người làm TĐ, nhà nhà làm TĐ dẫn đến chất lượng hạn chế. Số dự án nhỏ nhiều mà không đóng góp nhiều, có nguy cơ đe dọa đến an ninh và tính mạng người dân ở vùng hạ du. Cần dẹp bỏ các TĐ nhỏ thay bằng các nguồn năng lượng sạch như điện gió…”.

ĐB Danh Út cũng nhận định chưa bao giờ nguy cơ từ những công trình TĐ nhỏ lại nhiều như lúc này. “Nhiều sự cố, thiệt hại về tài sản và con người xảy ra. Tuy nhiên, trách nhiệm như thế nào thì chưa rõ” - ông Danh Út băn khoăn.

Một số ý kiến cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá toàn diện sát thực tế tác động của việc xây dựng TĐ đối với đời sống nhân dân sau khi nhường đất cho TĐ. “Để xây dựng công trình TĐ Thác Bà (Yên Bái), hơn năm vạn dân đã phải di chuyển để nhường gần 20.000 ha đất cho công trình. Đến nay trải qua 40 năm vẫn còn hơn một vạn dân đã phải nhường đất nhưng vẫn chưa có điện. Khi gặp gỡ, tiếp xúc với nhân dân, cử tri hỏi ĐB đến bao giờ thì thôn bản có điện” - ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) kể. Theo ĐB Thiện, Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả tích cực hơn nữa trong việc chăm lo cho người dân vùng TĐ và phải xem đấy là mục tiêu hàng đầu.

Đoạn tuyệt thủy điện nhỏ ảnh 1
Đoạn tuyệt thủy điện nhỏ ảnh 2

NGUYỆT HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm