DNNN: Tài chính, công ty con, cháu… vẫn là ẩn số

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa đáp ứng thông lệ về minh bạch thông tin; việc giám sát nội bộ buông lỏng, không hiệu quả và trông chờ vào giám sát từ bên ngoài, trong khi giám sát từ bên ngoài lại thiếu thông tin...

Đó là một số nhận định từ kết quả điều tra trên 400 DN của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa được đưa ra thảo luận hôm qua, 12-11. Đây là chương trình nằm trong dự án “Đổi mới quản trị DNNN và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước theo cam kết WTO và thông lệ thị trường” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án sẽ trình Chính phủ vào cuối năm 2010.

“Tổ chức quản lý, vận hành, kiểm tra, giám sát ở DNNN còn nhiều hạn chế. Bản thân DN thiếu minh bạch, chủ sở hữu là nhà nước cũng chưa làm trọn vẹn chức năng quản lý, giám sát đối với các tập đoàn kinh tế và DNNN quy mô lớn…” - ông Trần Xuân Lịch, Phó Viện trưởng CIEM, nhận định.

Công bố thông tin kiểu “khép kín”

Theo Tiến sĩ Trần Tiến Cường, Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN CIEM, qua điều tra cho thấy nội dung thông tin DNNN công bố hầu hết là những thông tin tối thiểu mà pháp luật bắt buộc phải công bố. Những thông tin cần thiết cho quản trị DNNN như chính sách quản lý rủi ro, các giao dịch với người có liên quan, lương thưởng của cán bộ quản lý cao cấp, giao dịch nội bộ,… thì tỉ lệ “có công bố” thấp. Đặc biệt ở các DN 100% vốn nhà nước tính công khai thông tin thấp hơn DNNN đa sở hữu và khoảng cách này rất lớn. Việc công bố thông tin của các DNNN mang tính báo cáo nội bộ.

DNNN: Tài chính, công ty con, cháu… vẫn là ẩn số ảnh 1

Vận hành thiết bị khai thác dầu thô tại mỏ Bạch Hổ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh minh họa: CTV

Theo thông lệ quốc tế, DNNN phải công bố thông tin trên các phương tiện thông tin dễ tiếp cận và ít tốn phí cho người sử dụng (công chúng, nhà đầu tư) và khuyến cáo công bố như các DN niêm yết. Tuy nhiên, qua điều tra có 93,7% DNNN công bố thông tin trong nội bộ hoặc theo chế độ báo cáo với chủ sở hữu (đại hội cổ đông, hội đồng thành viên). Không có nhiều DN công bố thông tin qua website, phương tiện truyền thông. “Điều này chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện quản trị DN về tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời và hiệu quả. Việc công bố thông tin khép kín ảnh hưởng không tốt đến cơ chế giám sát từ bên ngoài đối với DNNN” - ông Cường đánh giá.

Công khai tài chính của các DNNN cũng mập mờ không kém. Cụ thể có 80% DN không gửi báo cáo tài chính năm cho cơ quan đăng ký kinh doanh và chỉ có 50% chủ sở hữu DN nhận được báo cáo tài chính giữa niên độ. Kiểm toán nội bộ cũng chưa được các DNNN quan tâm vì qua điều tra chỉ có 31% DN thực hiện việc này.

Giám sát còn là hình thức

Kết quả điều tra cũng cho thấy có lỗ hổng khá lớn trong việc giám sát các tập đoàn, DNNN.

Theo Tiến sĩ Cường, “Thực tế điều tra cho thấy đang tồn tại việc chủ thể giám sát đồng thời là đối tượng giám sát nên việc giám sát chỉ là hình thức. Trên 60% tổng giám đốc vừa là chủ tịch hội đồng quản trị hoặc hội đồng tư vấn, tức người đứng đầu bộ máy quản lý cũng chính là người đứng đầu bộ máy điều hành”.

Vấn đề kiểm soát nội bộ cũng bị các DNNN xem nhẹ, chỉ 13% DN cho rằng cơ quan kiểm soát nội bộ có vai trò quan trọng hơn cơ quan giám sát bên ngoài. Ban kiểm soát và kiểm soát viên, hầu hết làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và hưởng lương của chính DN nên không đảm bảo tính độc lập trong kiểm soát (chỉ 21% DN có kiểm soát, ban kiểm soát không kiêm nhiệm).

Chưa hết, vấn đề còn luẩn quẩn, nhọc nhằn trong giám sát các DNNN hiện nay là lẫn lộn giữa mục tiêu chính trị xã hội với mục tiêu kinh tế thuần túy. “Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội của DNNN cần minh bạch, xem đồng nào là chi cho những nhiệm vụ này, kết quả sản xuất, kinh doanh bù trừ những chi phí này là bao nhiêu, còn bao nhiêu. Càng minh bạch thì càng được sự ủng hộ và đồng thuận của công luận” - ông Phạm Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh.

Theo ông Trần Tiến Cường, cần có cơ quan làm ông chủ đích thực, đại diện chủ sở hữu để quản trị DNNN cũng như giám sát các tập đoàn nhà nước. Cơ quan này làm đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản và đánh giá hiệu quả kinh doanh của DNNN. Cơ quan này là cơ quan nào, hoạt động ra sao, hiện viện đang nghiên cứu để tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ.

Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện điều tra một tập đoàn, mất rất nhiều thời gian nhưng không thể biết chính xác tập đoàn đó có bao nhiêu công ty con, bao nhiêu công ty cháu vì họ không tuân thủ các quy định về chế độ báo cáo, thống kê. Điều đó cho thấy việc thực hiện đề án quản lý nhà nước với DN sau đăng ký kinh doanh rất khó khăn, chế độ hậu kiểm không dễ thực hiện.

Tiến sĩ NGUYỄN TRỌNG HIỆU,
Cục phó Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm