Đến cái cúc áo cũng đi nhập là sao?

Theo chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, tuần này, các bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận một số vấn đề nóng mà các ĐBQH dự kiến sẽ chất vấn.

“Sao kỳ nào cũng nói mà nông dân khó?”

ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, cho hay: Trong lần chất vấn này ông rất quan tâm tới vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. “Chủ trương của Đảng về vấn đề này có từ rất lâu rồi, kỳ nào họp chúng ta cũng nói về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng đến nay nó không hiệu quả. Đời sống của nông dân vẫn rất lận đận, khó khăn” - ông Vinh nói.

Theo ĐB Vinh, nông nghiệp Việt Nam phải sản xuất trên diện lớn, còn làm manh mún, không tập trung như thế này thì rất khó để mà quy hoạch được nguồn lực. Cùng đó, chất lượng của nền nông nghiệp và xúc tiến thị trường là những vấn đề cốt tử hiện nay phải cấp thiết tính. Nếu không hàng chục triệu nông dân sẽ tiếp tục khốn khó. “Tôi muốn các bộ trưởng phải đưa ra giải pháp để giải quyết triệt để các tồn tại rất nhiều năm qua trong ngành nông nghiệp mà chúng ta nói hoài không làm được. Phải làm sao để nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo đời sống của bà con nông dân. Chứ hiện nay ở nông thôn chúng ta thấy sức lao động bà con bỏ ra so với cái thu về không tương xứng. Do vậy, người ta bỏ ruộng đồng, bỏ quê quán để đi ra làm việc phụ để kiếm tiền mưu sinh” - ĐB Vinh đề xuất.

ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng: “Tại sao với một nền nông nghiệp trù phú như Việt Nam lại luôn luôn để cho nông dân khó khăn như thế?”. Theo ông Quốc, để trả lời câu hỏi đó cần có sự liên thông giải quyết của rất nhiều bộ, vì Bộ NN&PTNT nắm một mảng, Bộ Công Thương chốt giữ một mảng (xuất khẩu) và việc đầu tư cho nông nghiệp nằm ở một số bộ khác nắm.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh: “Anh muốn may cái áo mà đến cả cái cúc cũng phải nhập thì phải nói sao đây”. ĐBQH Dương Trung Quốc: “Tại sao với một nền nông nghiệp trù phú như Việt Nam lại luôn luôn để cho nông dân khó khăn như thế?”. ĐBQH Đinh Xuân Thảo: “Chế tài cao nhất chính là niềm tin, lòng tin, sự đánh giá của nhân dân”. Ảnh: LÊ PHI

“Đến cái cúc áo cũng đi nhập là sao?”

Theo ĐB Dương Trung Quốc, chúng ta đang hội nhập rất sâu với thế giới, tới đây sẽ tham gia vào một cộng đồng chung ASEAN thì đó là vấn đề hết sức quan trọng. “Nền kinh tế của chúng ta có hội nhập được không, có chủ động được không? Đây là những lo lắng rất lớn của xã hội hiện nay” - ĐB Quốc nói.

ĐB Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng những câu hỏi lớn mà Bộ Công Thương cần phải giải đáp cho người dân hiện nay là làm sao mà các doanh nghiệp trong nước kém phát triển? Tại sao phần lớn thu GDP của Việt Nam chúng ta lại đến từ các doanh nghiệp FDI? “Bây giờ tình hình chính trị đang ổn định, lao động giá rẻ còn là lợi thế như thế này doanh nghiệp FDI còn ở lại chứ có tình hình gì biến động, giá thành lao động cao lên thì họ sẽ rút. Vậy suốt bao năm qua ta đã chuẩn bị nội lực cho mình thế nào? Hay cứ nói mãi sự kém phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ, nguyên liệu của chúng ta thì gần như cái gì cũng đi nhập, cho vậy nên nhập siêu cứ cao ngất ngưởng. Vậy thì đến bao giờ điểm yếu này sẽ được xử lý?”. ĐB Vinh đặt vấn đề cho rằng: “Anh muốn may cái áo mà đến cả cái cúc cũng phải nhập thì phải nói sao đây. Rồi đến cái xe máy thôi, hỏi rằng chúng ta nội địa được bao nhiêu phần trăm, trong khi suốt bao nhiêu năm qua ngành xe máy đã được tạo mọi điều kiện phát triển trong nước?” - ĐB Vinh nói.

Chế tài cao nhất vẫn là niềm tin của nhân dân

ĐB Trần Ngọc Vinh nhìn nhận cơ bản các bộ trưởng đã triển khai thực hiện các lời hứa nhưng thực sự kết quả không như mong muốn. “Tuy nhiên, điều hay thấy trước bấy lâu nay là các vị cứ hay đổ từ lý do khách quan này đến lý do khách quan khác” - ông Vinh nói. Theo ĐB Vinh, ở đây có việc giao và xử lý trách nhiệm cá nhân chưa đến nơi đến chốn. Cho nên không có kỷ luật hành chính nào được đưa ra cả. “Tôi đề nghị là QH phải ra một nghị quyết và có chế tài. Khi đã có chế tài thì xử lý luôn được cả các bộ trưởng hứa mà không làm. Mình cứ nói là trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu nhưng không có chế tài thì biết xử lý ra làm sao” - ĐB Vinh nhấn mạnh.

Về vấn đề này ĐB Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng: “Đúng là về trách nhiệm pháp lý thì cần phải có chế tài. Nhưng ở đây vấn đề thiên về trách nhiệm chính trị hơn. Vì thế chế tài cao nhất chính là niềm tin, lòng tin, sự đánh giá của nhân dân đối với các vị bộ trưởng. Mà cái đó có khi còn mạnh hơn cả chế tài về phạt tiền, cảnh cáo, phê bình”.

Chất lượng tiến sĩ của Việt Nam so với thế giới ra sao?

“Chất lượng thực sự của tiến sĩ Việt hiện nay như thế nào? Thực sự thì có bao nhiêu luận án tiến sĩ được đưa vào áp dụng trong thực tế, trong khi đó năm nào nước ta cũng cho ra đời hàng bao tiến sĩ như thế? Chất lượng đánh giá tiến sĩ của chúng ta với thế giới ra làm sao? Trong khi nhìn lại chất lượng khoa học của ta so với khu vực và thế giới lại cách khá xa. Đây cũng là vấn đề không nhỏ của ngành GD&ĐT nước nhà” - ĐB Trần Ngọc Vinh ghi nhận.

Về chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, ĐB Đinh Xuân Thảo nhận xét: “Vẫn còn tình trạng là giữa hỏi và trả lời còn lan man dàn trải. Cái chính là đi đến cùng của vấn đề, ra nghị quyết và kiểm tra, có khắc phục được hay không… Bản thân nghị quyết cũng phải sát sườn, cụ thể chứ không nên chung chung”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm