Đề xuất xử hối lộ bằng chứng cứ gián tiếp

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay những năm qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân TP, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

“Tham nhũng có biểu hiện lợi ích nhóm rất tinh vi”

Tuy nhiên, theo ông Phong, tình hình tham nhũng và công tác PCTN vẫn còn hạn chế. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định tư pháp còn chậm và chưa đạt yêu cầu. “Tham nhũng ngày một tinh vi được che chắn, tiềm ẩn dưới hình thức như lợi ích nhóm hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí câu kết chặt chẽ thành một nhóm người. Có những vụ việc tạo ra lợi ích nhóm từ việc xây dựng cơ chế, chính sách để làm lợi cho một số người có chức quyền” - ông Phong nói.

Trước thực tế đó, TP.HCM đã đưa ra nhiều kiến nghị và đề xuất để sửa đổi, bổ sung Luật PCTN với nhiều nội dung đáng chú ý:

TP.HCM kiến nghị giảm đối tượng kê khai tài sản, thu nhập để thu hẹp diện người có nghĩa vụ kê khai nhằm tăng cường khả năng xác minh tài sản, thu nhập. TP cũng kiến nghị bổ sung quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm một cách minh bạch, hợp lý thì bị xem xét kỷ luật về đảng, chính quyền, đoàn thể. Đồng thời, bổ sung quy định cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức chủ động kiểm tra, xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập đối với những người thuộc quyền quản lý.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai từ phải qua) và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (thứ hai từ trái qua) đang trao đổi với lãnh đạo TP.HCM tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN sáng 24-12. Ảnh: TÁ LÂM

Trong việc kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn, TP kiến nghị kiểm soát theo hướng bắt buộc việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn (ở địa phương từ phó chủ tịch UBND cấp huyện trở lên, ở trung ương từ phó vụ trưởng trở lên).

Ngoài ra TP cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chứng cứ trong BLTTHS để có thể truy cứu trách nhiệm của những người nhận hối lộ bằng các chứng cứ gián tiếp. Như trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không trực tiếp nhận tiền, tài sản mà để người thân nhận; hoặc trường hợp người đưa hối lộ tặng một vật kỷ niệm có giá trị nhỏ, sau đó cho một người khác đến mua lại vật đó với số tiền rất lớn.

Khắc phục ngay khâu yếu - phát hiện tham nhũng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM là điển hình trong nhiều lĩnh vực trong đó có công tác PCTN. “TP.HCM đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận về chính sách công khai, minh bạch, kiểm soát hiệu quả hơn về tài sản công. Đặc biệt công tác cải cách hành chính, TP.HCM luôn đi đầu trong công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục… đây là khâu quan trọng trong công tác PCTN” - Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác PCTN ở TP.HCM cũng như cả nước chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bất bình trong xã hội.

ông Phúc cho rằng qua công tác thanh tra, kiểm tra không phát hiện được tham nhũng, đây là một khâu yếu không chỉ ở TP.HCM mà cả nước cũng vậy, thời gian tới cần phải tập trung khắc phục ngay khâu yếu này.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu TP.HCM khắc phục một cách bền vững những hạn chế và yếu kém trong PCTN đã được nhận diện, nhất là những hạn chế liên quan đến trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện của địa phương và những hạn chế có nguyên nhân từ yếu tố chủ quan của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền.

Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong thời gian tới TP sẽ kiên quyết khắc phục những hạn chế và yếu kém đang còn tồn tại trong công tác PCTN. Điều này nhằm tạo động lực mới để cả hệ thống chính trị và nhân dân TP tiếp tục nỗ lực quyết tâm thực hiện mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng trên địa bàn TP, góp phần hoàn thành mục tiêu chung trong công tác PCTN của cả nước.

Tại hội nghị, UBND TP.HCM đã tặng bằng khen cho 12 tập thể có nhiều thành tích trong thực hiện công tác PCTN từ tháng 6-2006 đến tháng 8-2015, trong đó có Sở Tư pháp TP.HCM.

Cần đưa giáo dục pháp luật về PCTN vào trường học

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được tăng cường và đạt được hiệu quả trong thời gian tới, Sở Tư pháp TP.HCM kiến nghị các cơ quan trung ương và UBND TP thực hiện các giải pháp sau:

- Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, viện kiểm sát, tòa án trong việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng còn tồn đọng. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người chống tham nhũng, đồng thời kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng…

- Đưa giáo dục pháp luật về PCTN vào trong các trường phổ thông trung học.

(Trích tham luận của Sở Tư pháp TP.HCM về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm