Đề xuất đại biểu Quốc hội phải có phẩm chất chính trị

Chiều 15-5, tiếp tục phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung của Luật Tổ chức Quốc hội. 

Một trong những vấn đề cơ quan thẩm tra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quy định về tiêu chuẩn với đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày báo cáo dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Cạnh đó, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, ở địa phương còn phải có thêm một số tiêu chuẩn riêng để làm cơ sở cho công tác bố trí cán bộ và theo dõi, đánh giá trong quá trình làm nhiệm vụ đại biểu.  

Theo ông Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đều thống nhất cho rằng việc đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng trong quá trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội trong từng nhiệm kỳ. 

Hiện tại, ngoài tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, trong các văn bản của Đảng còn đề ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn, giới thiệu, ứng cử đại biểu Quốc hội và phê chuẩn vào các chức danh đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội (như về bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, lý luận chính trị, kinh nghiệm công tác, uy tín, độ tuổi...). 

“Nếu luật hóa các tiêu chuẩn, điều kiện này để áp dụng chung cho đại biểu Quốc hội thì không phù hợp” - ông Tùng nói. 

Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ các nội dung quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

Đồng thời, giao các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để cụ thể hóa trong đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội tái cử...) nhằm tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn, bầu ra được những đại biểu xứng đáng nhất làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải rà soát thật kỹ nội dung này, bởi đây là tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: quochoi.vn

Theo ông Giàu, trong cả phát biểu khai mạc lẫn bế mạc Hội nghị trung ương 12 vừa qua, khi nói về phương hướng công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa mới, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đều yêu cầu đại biểu Quốc hội phải có ý thức chính trị chứ không chỉ có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm.

“Tôi nghĩ rằng nên nghiên cứu thật sâu và thể hiện được. Đây là quan điểm của Đảng, Ban chấp hành Trung ương chứ không phải chỉ người đứng đầu, thành ra phải thể hiện cho được” - ông Giàu nói.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội có nhiều thành phần khác nhau, thành phần tự do cũng có. Do vậy, nếu quy định vào luật về tiêu chuẩn “phẩm chất chính trị” cho đại biểu Quốc hội “cũng khó”.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Quốc hội đại diện cho các giai tầng, đối tượng khác nhau, các thành phần tôn giáo, sư sãi, linh mục đều có quyền ứng cử, bầu cử. Vì vậy, rất khó có thể quy định về “bản lĩnh chính trị” với những người này như một tiêu chuẩn. 

Đối với khối đảng viên, công chức, viên chức, ngoài tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội còn có quy định của Đảng, tổ chức, trong đó đã có quy định về phẩm chất chính trị. 

“Tinh thần chung là nâng cao chất lượng đại biểu, đảm bảo hoạt động hiệu quả của đại biểu Quốc hội chứ không cần phải ghi cụ thể vào luật” - ông Lưu nói và thống nhất không quy định tiêu chuẩn chính trị vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội quy định trong dự thảo luật. 

Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội

1. Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 

.............................................................................................

Nâng tỉ lệ đại biểu chuyên trách ít nhất 40%

Báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng cho hay trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, khoản 2 Điều 23 đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. 

Cạnh đó, có ý kiến cho rằng trong những nhiệm kỳ qua, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa XIV, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm quy hoạch, bố trí, giới thiệu cán bộ ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng chỉ mới đạt 34,5% tổng số đại biểu Quốc hội. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của luật, đề nghị các cấp, các ngành phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để hoạt động chuyên trách, bảo đảm chất lượng, đồng thời quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bầu cử.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm