Để quyền lực không là con ngựa bất kham

Trước thềm đại hội,Pháp Luật TP.HCMđã trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoàng (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, xoay quanh vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kiểm soát quyền lực…

Kiểm soát, chống tha hóa quyền lực

. Phóng viên: Trung ương khóa XI đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (NQTƯ 4) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thế nào, thưa ông?

+ Ông Vũ Ngọc Hoàng: Đã có một lần sơ kết và vừa rồi là đánh giá cả nhiệm kỳ. Đánh giá chung nhất là làm được tương đối nhiều việc, như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, lấy phiếu tín nhiệm định kỳ ở Quốc hội và ở trung ương, thực hiện tự phê bình và phê bình, rồi giải quyết các việc tồn đọng, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng trong đó có những vụ lớn, xét xử nghiêm minh hơn với một số án tử hình… Tuy nhiên, tổng thể thì “chưa đạt được yêu cầu như mong muốn”.

. Vậy ông có thêm ý kiến gì?

+ Tôi nghĩ thế này: Nếu không có NQTƯ 4, không triển khai nó thì tình hình giờ chắc xấu hơn nhiều. Qua thực hiện nghị quyết, những gì đã làm được là không ít. Tuy nhiên, vẫn chưa tạo chuyển biến căn bản, chưa chặn đứng được đà suy thoái.

Điểm lại các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì số lượng khá nhiều. Về nội dung thì đúng cả và thực hiện cũng tích cực, thậm chí khá vất vả. Nhưng nhìn tổng thể thì vẫn chưa có chuyển biến căn bản.

. Vậy thì còn thiếu điều gì?

+ Theo tôi, đó là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực và thiếu cơ chế thực thi dân chủ.

Khi trở thành đảng cầm quyền thì rất nhiều đảng viên có quyền lực. Mà mặt trái của quyền lực là dễ dẫn đến tha hóa người nắm quyền, nhất là khi quyền lực được trao cho những người không đủ độ chín về nhân cách và đặc biệt là không có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Ta rất đúng ở chỗ đã khẳng định quyền lực là của nhân dân. Điều này rất căn bản. Nhưng nhân dân cũng phải ủy quyền cho Nhà nước. Phổ biến trong lịch sử các quốc gia là ủy quyền xong thì hầu như mất quyền. Vậy nên việc kiểm soát quyền lực là cực kỳ quan trọng. Nó bảo đảm cho quyền lực là của nhân dân và chống tha hóa quyền lực. Trước tiên, bản thân tổ chức nhà nước phải có thể chế kiểm soát lẫn nhau, tự điều chỉnh trong bản thân nhà nước ấy, không để lộng quyền.

. Theo ông, cần làm tiếp những gì để người dân thực sự làm chủ?

+ Để dân làm chủ được thì phải hoàn thiện cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, cơ chế bãi miễn, cơ chế minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình của các cơ quan và quan chức nhà nước, kiểm soát thu nhập và tài sản của quan chức... Những điều đó liên quan đến việc thực hiện quyền con người, các quyền dân chủ, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin…

Người dân cả nước đang hướng về Đại hội XII của Đảng. Ảnh: HTD

Cơ chế phân quyền để kiểm soát quyền lực, kiểm soát chéo lẫn nhau trong nội bộ Nhà nước để hạn chế sai lầm và nếu có sai lầm thì tự phát hiện, tự điều chỉnh nhanh nhất. Một cơ chế phân quyền tiến bộ có sự độc lập và kiểm soát chéo lẫn nhau giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp, gắn với vai trò của tòa án (hoặc ban giám sát thi hành), Hiến pháp và các điều luật về trưng cầu dân ý để đảm bảo quyền của nhân dân. Một nhà nước pháp quyền tiến bộ phải trên nền tảng của tư tưởng dân quyền, nói cách khác là một nền dân trị.

Bên cạnh việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước phải có cơ chế để nhân dân được tham gia vào quá trình kiểm soát quyền lực ấy. Nếu không quyền lực sẽ là con ngựa bất kham. Nhiệm kỳ XI đã có một số tiến bộ trong quy định của Hiến pháp, một số luật mới ban hành, gần đây nhất, trong Hội nghị lần thứ 13 của Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý vấn đề “kiểm soát quyền lực”.

Đảng rèn giũa mình bằng sự gắn bó với dân

. Ông hình dung mối quan hệ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tôn trọng, phát huy quyền dân chủ của nhân dân thế nào?

+ Hai việc đó, theo tôi, không thể tách rời mà gắn chặt, một cách tất yếu, bản chất, như hai mặt của cùng một vấn đề.

Đảng rèn giũa và soi mình bằng cách nào? Phải bằng chính sự gắn bó với nhân dân, “cọ xát” với quần chúng, bằng chính sự giám sát của nhân dân. Đảng phải là bộ phận tinh túy từ dân mà ra, được dân thừa nhận, dân tôn vinh thì đó mới là đảng chính danh, chân chính. Vì vậy mà nhiều năm qua Đảng nói phải gắn bó máu thịt với nhân dân.

Ở Quảng Nam, thời trước Cách mạng tháng 8-1945, có chuyện một quần chúng tiến bộ, tham gia hoạt động yêu nước, bị Pháp bắt về tra khảo ở nhà lao Buôn Ma Thuột, hỏi làm gì. Ông tự nhận là bí thư chi bộ. Hỏi đảng viên đâu. Ông chỉ mấy người đã chết, đã hy sinh. Vậy là hết. Ông tự nhận như vậy là tự nhận cái chết về mình nhưng để giữ bí mật cho một tổ chức Đảng. Sau này ông tham gia vượt ngục, đi tìm đầu mối liên lạc với tổ chức Đảng nhưng không được, ông đã tự xưng là đảng viên, kết nạp thêm mấy quần chúng nữa, lập thành chi bộ. Rồi cứ thế phát triển, ông trở thành lãnh đạo tỉnh ủy, lúc đó ông báo cáo với cấp trên thực ra ông chưa được kết nạp Đảng. Khi ấy, tổ chức Đảng cấp trên đã xem xét công nhận ông là đảng viên và công nhận một số tổ chức Đảng do ông xây dựng. Đảng từ dân mà ra là thế đó.

. Như vậy, phát huy dân chủ cũng là một biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

+ Đúng. Thậm chí là biện pháp hàng đầu.

Thuở ban đầu, Đảng chưa nắm quyền lực, chưa cầm quyền ấy thì dân nuôi Đảng, Đảng sống trong dân, gắn với dân, đại diện chân chính nhất cho dân. Đảng trước tiên là dân, tiếp theo là bộ phận ưu tú trong dân, vì thế mà trở thành Đảng lãnh đạo.

Bây giờ, khi có quyền lực trong tay, Đảng không khéo dễ thành quan, dùng cái quyền quan ấy thì làm sao gắn bó với dân?

Cho nên xử lý vấn đề quan hệ giữa Đảng-dân mấu chốt là vấn đề dân chủ của dân, dân chủ trong xã hội. Đảng phải giương cao ngọn cờ để lãnh đạo việc ấy. Đấy là vấn đề quan trọng bậc nhất để xây dựng Đảng. Như vậy mới cải thiện được năng lực lãnh đạo của Đảng, làm cho nhân cách đảng viên phải tốt lên. Và chính điều ấy làm cho người dân tự nguyện thừa nhận Đảng lãnh đạo. Như thế mới thực chất.

Chứ anh nói anh là lãnh đạo thì mới là nói thôi. Trong lòng người ta không chịu thì nghĩa là vai trò lãnh đạo thực chất đã giảm sút.

. Xin cám ơn ông.

Phải hoàn thiện được nhà nước thực sự của dân

. Khóa XI này cũng đã làm nhiều việc lớn, chủ yếu là xây dựng, hoàn thiện thể chế như ban hành Hiến pháp 2013, lên chương trình xây dựng luật với những luật cơ bản về tổ chức bộ máy, về dân chủ. Nhưng có lẽ mới chỉ là khởi động thôi?

+ Đúng. Ghi nhận là có một số tiến bộ đáng kể nhưng cũng mới khởi động thôi. Khóa tới phải bổ sung hoàn thiện các thể chế dân chủ, kiểm soát quyền lực và nhất là tập trung cao vào thực thi.

Lịch sử nhân loại thì nhà nước của các chủ nô, các ông vua rồi cũng vì tha hóa mà sụp đổ. Nhà nước của các tập đoàn tài phiệt cũng đổ lên đổ xuống. Thời kỳ gần đây thể chế chính trị ở một số nước phát triển hiện đại đã có những tiến bộ đáng kể theo hướng dân chủ thì tình hình có khá hơn. Chỉ khi nào hoàn thiện được thành nhà nước thật sự của dân thì mới không đổ ngã. Vì dân mới là vạn đại. Đặc trưng chính trị đầu tiên của nhà nước XHCN là nhà nước của dân, thực sự của dân.

Mà nhà nước của dân ấy, công việc đầu tiên là bảo vệ nhân dân, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Bảo vệ để không ai xâm phạm tới quyền tự do, dân chủ của người dân. Việc tiếp theo của nhà nước là phục vụ dân, cung cấp dịch vụ công cho người dân, để vận hành xã hội trơn tru. Việc thứ ba là tập hợp trí tuệ, lực lượng, nguồn lực để kiến tạo một quốc gia phát triển gắn với một xã hội nhân văn, tiến bộ, dân chủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm