Đề nghị xem lại việc sử dụng trái phiếu chính phủ

Tại đoàn TP.HCM, nhiều đại biểu cho rằng việc quản lý nguồn vốn huy động từ trái phiếu chính phủ còn lỏng lẻo, nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư từ nguồn này không hiệu quả. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá hiệu quả của các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng các bước tiến hành việc phát hành trái phiếu chính phủ không tính toán kỹ ngay từ đầu. “Chúng ta để từng ngành, từng địa phương cần bao nhiêu thì đề xuất, rồi sau đó tổng hợp lại. Năm 2003 chỉ có 63.000 tỉ, hiện giờ là 600.000 tỉ nhưng chúng ta chỉ thực hiện được hơn 200.000 tỉ, tức là phải loại 2/3, kiểu gì cũng không tránh khỏi tiêu cực” - ông Lịch nói.

Ông còn lưu ý là có hiện tượng Chính phủ đang cạnh tranh thị trường tín dụng với doanh nghiệp. Ông phân tích: Chính phủ phát hành trái phiếu thông qua kho bạc. Ngân hàng thương mại mua tới trên 90% lượng trái phiếu phát hành rồi mang đến ngân hàng trung ương tái chiết khấu. Đầu năm 2010, lãi suất trái phiếu là 10,5%, lãi suất tái chiết khấu là 8% (thời điểm hiện nay lãi suất trái phiếu khoảng 12,5%). “Anh lấy 10,5% của Bộ Tài chính rồi mang đến ngân hàng trung ương tái chiết khấu với lãi suất 8%, mà trái phiếu chính phủ không cần nộp thuế. Không có cách kiếm tiền nào nhàn hơn thế và không có con nợ nào an toàn bằng con nợ Chính phủ. Lúc doanh nghiệp đang kêu thiếu vốn, ngân hàng ôm tiền đi mua trái phiếu rồi thì còn đâu tiền cho doanh nghiệp vay” - ông nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, theo đó cần tiến hành rà soát, cắt giảm các khoản đầu tư không hiệu quả. “Chúng ta sẽ đứng trước bài toán là đã lỡ đầu tư rồi, nếu không tiếp tục đầu tư nữa thì sao? Do đó, chúng ta phải đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, huy động từ nước ngoài, huy động trong dân… để tiếp tục thực hiện những dự án đang dang dở” - đại biểu Ngân đề xuất.

Đánh giá về chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu cho rằng trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp về các dự án thành phần; nhiều chương trình thực chất là nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, ngành nhưng vẫn được đưa vào.

Đ.MINH - T.VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm