Để Hiến pháp trở thành động lực phát triển

Hôm nay 1-1-2014, Hiến pháp (HP) sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Trò chuyện đầu năm với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH, nhấn mạnh: HP 2013 có hiệu lực sẽ tạo ra hành lang và định hướng pháp lý cơ bản cho sự phát triển của đất nước trên tất cả các mặt chính trị - kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

“Có thể còn có những ý kiến khác, muốn đổi mới nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng đến lúc này, điều quan trọng hơn là tìm xem với những gì được ghi nhận trong bản HP này thì phải làm những gì để thúc đẩy đất nước đi lên, có lợi cho dân hơn” - ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Không chấp nhận mãi những quyền khẩu hiệu

. Phóng viên: Thưa ông, đặt trong yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay, những nội dung được ghi nhận trong HP sửa đổi lần này sẽ tạo ra những động lực cụ thể gì?

+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ảnh): Điểm thay đổi đáng kể nhất của HP lần này, theo tôi là các nội dung liên quan đến quyền con người (QCN). QCN đã được khẳng định và nâng lên thành một khái niệm riêng, còn ở HP trước QCN được thể hiện trong quyền công dân. Điều này phản ánh việc tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam, khi xem QCN là những quyền cơ bản mà các quốc gia phải tôn trọng chứ không phải tùy thuộc vào mỗi quốc gia muốn hành xử thế nào thì tùy nữa. Trong cấu trúc HP lần này, QCN được đặt lên Chương II, chỉ sau Chương “chế độ chính trị”, cho thấy vị trí của nó đã được nâng lên một bước đáng kể.

Những quy định trong chương này, nếu được hiện thực hóa một cách triệt để thì sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của xã hội. Tức là đừng để những quyền cơ bản ấy nằm trên giấy nữa. Tôi tin rằng người dân cũng không thể tiếp tục chấp nhận nhiều quyền cơ bản hiến định chỉ tồn tại như khẩu hiệu. Để HP sửa đổi tạo động lực mạnh mẽ trong lòng người dân và trong xã hội, phải biến các quy định về QCN, quyền công dân trong Chương II thành hiện thực. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và QH phải làm được điều này thì mới đáp ứng được yêu cầu của đất nước, của nhân dân. Đây cũng là thách thức lớn nhất đối với QH trong phần còn lại của nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tới.

Chủ đạo không phải để trục lợi

. HP sửa đổi lần này có thể tạo ra cơ sở mới gì để tiếp sức cho cải cách kinh tế, giúp đất nước phát triển và hội nhập một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn?

+ Cần lưu ý, cùng với việc hiến định kinh tế nhà nước (KTNN) giữ vai trò chủ đạo thì HP sửa đổi cũng hiến định nguyên tắc “bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” đối với các chủ thể của mọi thành phần kinh tế. Nếu thực hiện đúng như HP quy định, chúng ta vẫn có khung pháp lý để đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo ra nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.

Để Hiến pháp trở thành động lực phát triển ảnh 2
 Theo ông Trương Trọng Nghĩa,QH cũng như từng ĐBQH cần phải thúc đẩy nhanh chóng hệ thống luật pháp để triển khai thực hiện HP mới. Trong ảnh: Các ĐBQH bấm nút thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013. Ảnh: CTV

Chẳng hạn, khi hiến định KTNN đóng vai trò chủ đạo, chúng ta cần phải thiết lập khung pháp lý để thể hiện vai trò chủ đạo một cách đúng đắn. Nói chủ đạo tức là anh phải làm ăn có hiệu quả cao, có năng lực dẫn dắt, gương mẫu, liêm khiết, minh bạch, có sức đẩy và tạo ra những tác động lan tỏa. Chủ đạo là phải gánh vác những việc cần thiết mà kinh tế tư nhân không làm được hay không muốn làm. KTNN giữ vai trò chủ đạo thì không thể để những Vinashin và Vinalines tái diễn, vì đó là tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát lớn, làm thương tổn, kéo lùi nền kinh tế và làm nghèo đất nước.

Trên cơ sở nhận thức ấy, đổi mới thể chế kinh tế tới đây phải làm quyết liệt để các thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh đúng pháp luật, để xóa đi chuyện con ruột, con nuôi, con ghẻ, khi một bên thì hết sức ưu đãi, dễ dàng tiếp cận vốn, nguồn tài nguyên; còn một bên phải chạy vạy, chung chi, lo lót thì mới tiếp cận được. Nói tóm lại, “chủ đạo” là vai trò dẫn dắt nền kinh tế đi lên chứ không phải trục lợi cho riêng anh, tạo lợi thế cho riêng anh. Chỉ có như thế thì anh mới thể hiện vai trò chủ đạo của mình, còn nếu không làm được điều này thì chữ “chủ đạo” ấy dân không chấp nhận vì nó trái HP, trái quy luật của kinh tế thị trường.

Cốt yếu nhất vẫn là lòng dân

. Như vậy, vấn đề ở đây là cần phải triển khai thực hiện cho đúng, cho sát với những quy định trong HP thì vẫn có thể tạo ra nhiều động lực mới cho phát triển?

+ Đúng thế! HP sửa đổi có những điều chỉnh, bổ sung có thể tạo ra khung pháp lý nhằm đẩy mạnh cải cách thể chế, đáp ứng mong đợi người dân. Làm cho đúng và cho hết tất cả cơ hội, những khả năng mà bản HP này tạo ra thì sẽ làm được rất nhiều. Vấn đề còn lại là cần phải có quan điểm, chính sách, luật pháp đúng đắn trong quá trình triển khai thực hiện HP này, đừng để những nội dung hiến định chỉ mang tính khẩu hiệu hoặc bị méo mó trong quá trình triển khai thực hiện.

. Nếu chúng ta không nhanh chóng tạo ra hành lang pháp lý để hiện thực hóa những nội dung hiến định thì sẽ nhận lấy những hệ quả gì, thưa ông?

+ Chúng ta không nên quên thế giới đang trong cuộc chạy đua Olympic về kinh tế và đang bứt phá lẫn nhau. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Trong xu thế hiện nay, anh nào chậm chân, kém cỏi thì sẽ tụt hậu và trở thành quốc gia nằm ở rìa ngoài của nền kinh tế toàn cầu hóa. Và người dân của anh sẽ trở thành công dân hạng hai, hạng ba của thế giới. Khi đó, chữ nhân dân dù có viết hoa trong HP mà đất nước phát triển kém, người dân trở thành công dân hạng hai, hạng ba của thế giới thì chữ viết hoa ấy chỉ là một điều mai mỉa trong lòng nhân dân. Mà đã phát triển kém thì cũng rất khó bảo vệ được chủ quyền.

Để vượt lên trong cuộc chạy đua này, cốt yếu nhất vẫn là sức dân, lòng dân. Khi triển khai thực hiện HP sửa đổi, cần tập trung bồi dưỡng sức dân, tạo điều kiện cho người dân làm chủ nhiều hơn thì dân sẽ đóng góp hết sức mình cho sự phát triển. Vấn đề là Nhà nước cần có đường lối, biện pháp đúng để người dân đóng góp sức mình. Và Nhà nước, cụ thể là cán bộ, công chức phải là người tiếp sức chứ không phải người quấy nhiễu việc làm ăn, phát triển của người dân.

Bấm nút thông qua chưa phải đã xong trách nhiệm

. Vậy trọng trách lịch sử của QH khóa XIII, của từng đại biểu QH cần được thể hiện như thế nào trong việc triển khai thực hiện HP 2013, thưa ông?

+ HP cũng chỉ là điều kiện cần thôi. Tôi từng nói hậu thế sẽ đánh giá QH khóa XIII, có nghĩa là đánh giá từ việc đã xây dựng HP sửa đổi thế nào và cả việc triển khai thực hiện bản HP này ra sao. HP sửa đổi có những điểm mới, tiến bộ, như Chương II nhưng nếu các đại biểu QH không góp phần tích cực để biến nó thành hiện thực thì cũng không tròn trách nhiệm. Vì đối với HP trước, ta cũng đã có những “món nợ” rồi, nếu không xóa nợ đó đi thì càng “nặng nợ” hơn.

QH cũng như từng đại biểu QH cần phải thúc đẩy nhanh chóng hệ thống luật pháp để triển khai thực hiện HP này, nhất là phải phát huy quyền giám sát của mình để đảm bảo những gì hiến định trở thành hiện thực và những gì vi hiến cũng bị ngăn chặn, xử lý. Đó là điều đại biểu QH cần làm chứ không phải biểu quyết thông qua HP là xong trách nhiệm. Nếu làm HP chỉ để lên “bàn thờ” thôi thì trách nhiệm chưa tròn.

. Xin cảm ơn ông và kính chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe, thành công.

 

Viết hoa chữ “Nhân dân” trong thực tiễn

. HP sửa đổi lần này viết hoa chữ “Nhân dân” và Điều 70 quy định sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng, chánh án TAND Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và HP. Ông bình luận gì về những nội dung mới này?

+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Phải trở về với nguyên lý “thực tiễn quyết định chân lý” và điều nhân dân thực sự cần hiện nay là thực tế. Đại biểu QH muốn viết hoa chữ “nhân dân” trong HP nhưng nhân dân muốn nó được viết hoa trong thực tiễn, bằng hành động của cán bộ, công chức, bằng luật pháp và những chủ trương phục vụ cho lợi ích của dân.

Rõ ràng, trong lời văn, những cam kết của Nhà nước về quyền làm chủ của người dân là không thua các nước khác nhưng quan trọng là hành động thực tiễn. Nếu ta làm như những gì ta nói thì dù không viết hoa chữ “nhân dân” trong HP, nhân dân vẫn vui, còn ta viết hoa mà làm trái, làm nghèo cho đất nước, làm khổ dân thì ta có viết hoa, phóng đại chữ “nhân dân” to đùng đi nữa thì đối với dân vẫn không ích lợi gì.

Theo nghĩa ấy, lời tuyên thệ của những người đứng đầu Nhà nước cũng vậy, nó chỉ là thủ tục, cũng cần thiết. Vấn đề là đã tuyên thệ rồi thì phải làm đúng, ai làm không đúng thì phải bị xử lý, như vậy việc tuyên thệ mới có ý nghĩa thực chất.

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm