Để đại biểu nói lên Tiếng Dân

Làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) ngày 21-7 tại Đà Nẵng, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho hay những cuộc chất vấn của HĐND chỉ thực sự sôi động và truy tới cùng khi có ít sự tham gia của ĐB chính quyền. Nêu ý kiến trênThanh Niên mới đây, ĐBQH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo thẳng thắn: HĐND hoạt động còn mang tính hình thức.

Đã từ rất lâu, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, chính cơ chế kiêm nhiệm là nguyên do nội tại triệt tiêu vai trò của người ĐB nhân dân.

Về mặt nguyên lý, làm sao có chuyện một người lấy chân kia đá vào chân còn lại của mình? Thử hỏi có vị ĐB kiêm nhiệm nào không ngại đụng chạm chính cấp trên trong quá trình giám sát, truy trách nhiệm? Tâm lý “tránh voi chẳng xấu mặt nào” của không ít ĐB chính là nguyên do dẫn đến những cuộc giám sát “vuốt ve nhau” khiến chất lượng giám sát của HĐND còn yếu.

Không khí các cuộc chất vấn ở nghị trường rất ít có nơi thực sự sôi động và đúng nghĩa. Không khó để nhận ra có nhiều ĐB chất vấn “mồi”, chất vấn cho lấy có. Những cuộc truy vấn trong chất vấn trở thành “hàng hiếm”; và nếu có, đó thường là những ĐB không phải là công chức của chính quyền.

Cánh phóng viên không ít lần đã phải “méo mặt” khi mang nỗi lo của dân chúng chất vấn các ĐB của dân và nhận lấy những câu trả lời vô cùng quen thuộc: Chuyện này em nên hỏi chỗ bà chủ tịch quận này, ông giám đốc sở kia, đây không phải chuyên môn của anh, chuyện lặt vặt thế hỏi anh làm gì... Điều tối thiểu nhất ở đây là sự sẻ chia với tâm tư, nỗi lo của dân chúng đã không được ĐB xem như là trách nhiệm của mình. Đó là cách ứng xử khiến người ta hiểu rằng anh đang lộn vai là cán bộ công quyền; đang lo sợ trách nhiệm phát ngôn chứ không phải đang là ĐB của dân. Và anh đã vô tình để tiếng lòng của dân trở thành dấu lặng, rơi giữa nghị trường.

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ con số khoảng 80% ĐB kiêm nhiệm hiện nay cần phải điều chỉnh phù hợp hơn, nếu không sẽ còn gây ra những hệ quả khác. Hy vọng rằng trong quá trình lấy ý kiến cho dự luật tổ chức chính quyền địa phương, các nhà xây dựng luật sẽ thăm dò cặn kẽ để người dân nói lên cảm nhận thật về người ĐB của mình.

Đó sẽ là cơ sở quan trọng nhằm kiến tạo một diện mạo mới cho HĐND, để ĐB HĐND thực sự trở thành “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương” như hiến pháp khẳng định.

 MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm