Dân chủ là giá trị cốt lõi

GS-TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh như trên trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề hội thảo “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới” do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 14-4.

Khai thông các "điểm nghẽn"

. Phóng viên: Từ quá trình 30 năm đổi mới, theo giáo sư, vấn đề đổi mới tư duy của Đảng đóng vai trò như thế đối với những kết quả mà ta đạt được cũng như yêu cầu của phát triển trong thời gian tới?

+ GS-TS Hoàng Chí Bảo: Vấn đề đổi mới tư duy lý luận của Đảng có một vị trí rất quan trọng. Rõ ràng thực tiễn 30 năm đổi mới chính là từ đổi mới tư duy. Chính điều này đã tạo ra thế và lực cho Việt Nam ngày hôm nay.

Cụ thể là chúng ta đã chuyển từ tư duy của một thời kỳ kế hoạch hóa, bao cấp, hành chính, quan liêu mệnh lệnh sang tư duy giải phóng sức sản xuất trong nền kinh tế thị trường, giải phóng mọi tiềm năng của xã hội thông qua lực đẩy của dân chủ hóa. Qua đó khẳng định tính chủ động sáng tạo của từng cá nhân, tổ chức, gắn với trách nhiệm của mình trước sự phát triển của xã hội. Và nhất là việc lấy thước đo quan trọng nhất là phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích cho dân đã tạo ra một giá trị rất lớn cho sự phát triển.

 
Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, dân chủ là một giá trị đứng hàng đầu, cốt lõi trong chuỗi giá trị phát triển của Việt Nam. Ảnh: MC

Giai đoạn tới, trước yêu cầu mới của tình hình là phải phát triển bền vững và hiện đại hóa thì càng phải đổi mới tư duy. Đảng ta cũng nói phải đổi mới tư duy quyết liệt hơn nữa ngay trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Có thế ta mới nhận ra rõ hơn điểm nghẽn, lực cản phát triển, mới có thể huy động mọi nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân vào việc tạo ra những đột phá cho đất nước.

. Theo giáo sư, với tình hình hiện nay, chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện vấn đề gì để giải phóng những “điểm nghẽn”, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ hơn?

+ Đổi mới của Việt Nam dựa trên hai lực đẩy quan trọng: Một là chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường hiện đại định hướng XHCN. Hai là lực đẩy quá trình dân chủ xã hội để xây dựng nền dân chủ, mà giờ Đảng ta coi dân chủ là mục tiêu, động lực của đổi mới. Với hai động lực này đòi hỏi phải hoàn thiện nhà nước pháp quyền, hoàn thiện năng lực lãnh đạo của Đảng, nhất là củng cố đoàn kết, đồng thuận của toàn xã hội.

Giải quyết hai trở ngại để có dân chủ

. Đảng ta xem dân chủ là mục tiêu và động lực rất quan trọng đối với đổi mới. Nhưng vấn đề là làm sao để hiện thực hóa mạnh mẽ hơn nhằm phát huy giá trị của dân chủ trên thực tế?

+ Dân chủ là một giá trị thực tiễn mà đối tượng thụ hưởng không ai khác chính là người dân. Hơn nữa, dân cũng là chủ thể của các vấn đề dân chủ xã hội. Vì vậy vấn đề phải làm trước tiên và xuyên suốt là giải quyết có hiệu quả vấn đề dân sinh, dân trí, dân quyền để cuối cùng đạt được giá trị dân chủ. Trên cơ sở đó, người dân thực hiện giá trị dân chủ cho chính mình và cho xã hội. Bên cạnh đó, phải huy động tối đa năng lực sáng tạo của nhân dân trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị của ta. Phải làm sao để việc này trở thành việc của toàn thể xã hội và nhân dân chứ không phải của riêng Đảng, Nhà nước.

. Nghĩa là dân chủ chính là yếu tố quan trọng nhất hiện nay mà ta phải phát huy để giải phóng sức lao động của toàn xã hội, mang lại hiệu quả tốt hơn cho sự phát triển quốc gia?

+ Hoàn toàn đúng vì dân chủ là một giá trị đứng hàng đầu, cốt lõi trong chuỗi giá trị phát triển của Việt Nam. Cho nên Đảng mới xác định sau “dân giàu”, “nước mạnh” là đến “dân chủ” ngay. Sự thay đổi trật tự này không phải là hình thức mà coi dân chủ là giá trị ưu tiên cốt lõi cho sự phát triển hiện nay của Việt Nam.

. Theo giáo sư, cần phải đột vào những điểm cốt yếu nào để hoàn thiện và phát huy giá trị của dân chủ hơn nữa?

+ Về nguyên tắc mà nói, muốn có dân chủ phải giải quyết hai trở ngại: Một là dân chủ hình thức, hai là vi phạm dân chủ. Một nền dân chủ thực sự, thực chất thì phải vượt qua cái dân chủ hình thức tồn tại ở nước ta bấy lâu nay. Tất nhiên vượt qua cái này là không dễ vì nó là cả vấn đề tâm lý, ý thức và thể chế nữa.

Còn để chống lại vi phạm quyền dân chủ chỉ còn một cách đưa Hiến pháp vào cuộc sống, để Hiến pháp là của dân. Như chúng ta đã thấy lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, chữ Nhân dân được tôn vinh với 41 lần viết hoa trong Hiến pháp. Đây không phải là tôn vinh về tinh thần mà là sự cam kết pháp lý của Nhà nước, của chính thể đối với việc thừa nhận và bảo vệ địa vị làm chủ đích thực của Nhân dân.

Mặt khác, bài toán nhức nhối nhất của thực tiễn hiện nay mà ta phải làm quyết liệt hơn là xử lý quan liêu, tham nhũng. Quan liêu, tham nhũng là những điều phản cảm nhất đối với nhân dân và nó đối lập với dân chủ. Cho nên muốn có dân chủ thực chất thì phải loại trừ được nạn quan liêu, tham nhũng. Tuy điều này không dễ và cũng không thể nhanh được nhưng phải có giải pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả tác hại của tham nhũng, để cuối cùng từng bước với sự trưởng thành của nhân dân, của chính thể, của xã hội sẽ dần loại bỏ tham nhũng - độc tố của sự phát triển và xây dựng nền dân chủ.

. Xin cảm ơn giáo sư.

MINH CƯỜNG thực hiện

 

Vì dân chứ không phải vì mình

Dân chủ phải dựa trên sự hiểu biết về luật pháp và gắn với trình độ dân trí chung. Vì thế phải nâng cao dân trí và quan trọng nữa là cán bộ từ trung ương đến địa phương phải học được ở Bác Hồ tính chất gương mẫu. Vì một tấm gương sống, gương tốt quý hơn hàng trăm bài diễn văn.

Trên hết là phải xuất phát từ dân, vì dân chứ không phải vì mình. Cho nên thông điệp hiện nay của chúng ta đối với tất cả cán bộ trong Đảng, Nhà nước là “Dĩ công vi thượng” - đặt việc công, việc của dân, của nước lên trên hết thì chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ.

GS-TS HOÀNG CHÍ BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm