Đại diện công nhân muốn tăng lương sớm

Chiều 8-7, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng (dự kiến áp dụng từ 1-10-2011, sớm hơn ba tháng so với lộ trình) tại các tỉnh phía Nam. Sáng cùng ngày, Bộ cũng đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp (DN) về vấn đề này.

Hãy nghe tiếng kêu cứu của người lao động

Ông Hồ Xuân Lâm, đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), thẳng thắn: “Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án tăng lương. Từ sau tết đến nay, tại TP đã xảy ra hàng chục vụ đình công cũng xoay quanh yêu cầu nâng lương. Chưa bao giờ Hepza phải chịu áp lực từ các vụ tranh chấp lao động lớn như từ đầu năm tới nay. Nếu tiếp tục duy trì mức lương như hiện tại thì TP sẽ tiếp tục đối mặt với các cuộc đình công”.

Theo ông Lâm, cơ chế lương hiện nay quá lạc hậu, xuất phát từ việc khống chế mức lương tối thiểu vùng quá thấp, không tương xứng với công sức của người lao động (NLĐ) bỏ ra và mức sống tối thiểu tại các đô thị. “Hãy nghe tiếng kêu cứu của NLĐ, mới thấu hiểu họ sống như thế nào với đồng lương” - ông Lâm nói.

Đại diện công nhân muốn tăng lương sớm ảnh 1

Nhiều vụ đình công phát sinh từ nguyên nhân mức lương chưa sát với giá trị ngày công. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Lâm cũng cho hay DN có đủ tiềm lực để trả lương cao hơn mức hiện tại cho NLĐ nhưng các cơ quan quản lý lại chưa sẵn sàng. “Mới đây, công nhân Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân yêu cầu tăng lương 500.000 đồng/tháng, công ty này đồng ý ngay. Công ty này có hàng chục ngàn lao động, chứng tỏ họ rất có tiềm lực, không như suy nghĩ của chúng ta” - ông Lâm dẫn chứng.

Không ở đâu lương thấp như VN

Ông Lâm bày tỏ: “Hãy cho tôi luận cứ để tôi trả lời với công nhân rằng mức lương tối thiểu chỉ có như thế, nếu các anh chị không đồng ý, các nhà đầu tư họ rút đi nơi khác, lúc ấy anh chị không có việc làm thì tính sao? Tôi cam đoan rằng không nơi nào có mức lương rẻ mạt (92 USD/tháng) như ở VN đâu. Có chăng họ chỉ dựa trên mức lương tối thiểu để làm giá với NLĐ VN mà thôi!”.

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cũng cho biết dù giá cả nguyên liệu tăng cao nhưng thực tế ở Đồng Nai các DN xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển. “Nên điều chỉnh lương theo sát giá thị trường, vì chính sách lương lạc hậu sẽ đào thêm hố sâu về khoảng cách giàu nghèo. Hệ lụy kéo theo là các vụ đình công, các khoản tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thấp khiến NLĐ thiệt thòi. Theo tôi, việc điều chỉnh này nên triển khai ngay chứ không nên chờ đến cuối năm, vì thời điểm đó sẽ gây áp lực phát sinh tranh chấp nhiều nhất trong năm” - ông Tịnh đề xuất.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cũng cho rằng phương án điều chỉnh lương lần này vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu tại các đô thị. Trong bối cảnh hiện tại, nếu DN không biết phân chia lợi nhuận hợp lý sẽ khó tuyển dụng được lao động và lúc đó chắc chắn thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều. “Làm việc với các DN, họ than khó và “dọa” sẽ chuyển sang các nước lân cận để đầu tư. Nhưng tôi chắc rằng không chỗ nào có nguồn lao động dồi dào và rẻ như ở VN” - ông Huân chia sẻ.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm