“Đại biểu của dân thì đừng để dân đi hầu”

aĐó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) phụ trách công tác dân nguyện QH (khóa X) tại Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về công tác dân nguyện của QH Việt Nam” do Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ QH) phối hợp với Văn phòng QH tổ chức tại TP.HCM ngày 21-3.

Cần xem ý kiến cử tri là nguồn lợi

Bà Thu chia sẻ: “Bằng mọi cách có thể, đại biểu hãy đến với dân dù nơi đó có đang “dầu sôi lửa bỏng”. Hãy đặt mình vào chính những bức xúc của dân; phải xông vào để biết sự thật. Khi nghe thì phải nghe tường tận. Nói với dân việc này sẽ được phản ánh thì phải phản ánh. Nói với dân sẽ đặt lên bàn chính quyền thì phải đặt lên cho tới bàn chính quyền. Đừng bao giờ xem việc ấy như chiếu lệ, hứa với dân rồi không làm”.

“Đừng để người dân đi hầu mình khi tìm tới ĐBQH. Đừng xem việc tiếp xúc cử tri là nghĩa vụ, mà cần xem nó là quyền lợi. Và phải thấy rằng mình không may mắn khi người dân không cần mình, không chọn mình để gửi gắm tâm nguyện của họ. Dân đến với mình mà mình bực dọc, bảo họ sao cứ “xà nẹo theo mình hoài”, thế là bị “bệnh” rồi” - bà Thu chân tình.

“Đại biểu của dân thì đừng để dân đi hầu” ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu đang chia sẻ công tác dân nguyện tại hội thảo. Ảnh: MC

Nhìn từ thực tiễn, bà Thu nói: “Mặc dù Hiến pháp và pháp luật đã quy định rất rõ quyền và trách nhiệm của ĐBQH nhưng không phải ai cũng thực hiện quyền và trách nhiệm đó”. Nguyên do của vấn đề này, theo bà Thu, vì số đông đại biểu hoạt động kiêm nhiệm không chuyên trách. Vì vậy, khi tiếp nhận ý kiến cử tri, lúc đầu thì nóng nhưng khi trở về với công việc của mình thì đã nguội rồi. Mặt khác, các ĐBQH còn mang tâm lý sợ bị các bộ ở trên “trù” nên ngại phát biểu những vấn đề liên quan đến địa phương. “Mà thực tế là đã bị “trù”, “bị trả đũa” rồi, tôi có thể chứng minh điều này. Vì vậy các ĐBQH thường biết nhưng vẫn để trong bụng, giữ im lặng là vàng” - bà Thu cho hay.

Phải đi đến cùng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH, cũng cho rằng: “Vấn đề tồn tại rất lớn hiện nay là ĐBQH chưa làm tròn vai trò, nhiệm vụ của mình với cử tri. Vì điều kiện hoạt động còn ít ỏi, thiếu thốn, ngay cả việc tạo điều kiện cho ĐBQH làm tròn nhiệm vụ, chức năng của mình cũng còn hạn chế”.

Ông cho biết: Ta có tiếp xúc, có ghi nhận bức xúc, kiến nghị thậm chí là phê phán từ cử tri. ĐBQH có lắng nghe, có ghi chép, trân trọng nhưng xử lý, giải quyết những cái đó đến đâu là rất khiêm tốn. “Có chăng cũng được từ 10% đến 30% những đề đạt, nguyện vọng, lời hứa của ĐBQH với cử tri là được thực hiện thôi, còn phần lớn là không làm được” - ông nói.

Ông Mão chỉ rõ, cơ chế kiêm nhiệm hiện nay ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng hoạt động của ĐBQH và QH. Với cơ chế kiêm nhiệm, họ phải làm việc chính của mình còn làm đại biểu là kết hợp. Quy định là đại biểu phải dành ít nhất 1/3 thời gian cho công tác QH. Cộng ngày, giờ lại thì cũng có thể đạt nhưng thực tế tâm huyết, trí tuệ và hiệu quả họ dồn vào việc chính còn hoạt động cho QH là không bao nhiêu. “Hiện nay việc này lại chưa bị chế tài. Đây là điều rất tai hại cho QH và cho đất nước” - ông Mão nói.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Vũ Mão đề nghị cần tạo điều kiện nhiều hơn về mặt cơ sở vật chất lẫn thời gian cho đại biểu hoàn thành nhiệm vụ của mình trước cử tri. Cụ thể, nên tạo cơ chế và điều kiện để các ĐBQH có ít nhất một thư ký chuyên lo về công tác QH, nhất là việc ghi nhận, tổng hợp ý kiến của cử tri, khi ĐBQH ít có điều kiện tiếp xúc thường xuyên. Mặt khác, phải tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường. Theo ông Mão, đây là kênh rất quan trọng để cử tri theo dõi việc thực hiện lời hứa của ĐBQH và các quan chức chính quyền.

“Thời gian hiện nay chừng 2,5 ngày là ít và chưa đi đến cùng các vấn đề, chưa làm thỏa mãn cử tri. Đó là chưa nói cách trả lời chất vấn hiện nay ai cũng muốn bảo vệ cho mình. Bộ trưởng trả lời, ai cũng muốn nói tôi là đúng, muốn thanh minh, trình bày, kéo dài thời gian nên thời gian đâu mà đi đến cùng vấn đề. Thứ nữa là người cầm trịch, chủ tọa phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng phải đi đến cùng vấn đề. Bản thân QH cũng cần phải kết luận bằng cách đưa ra một nghị quyết cụ thể về những vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, lời hứa của bên trả lời chất vấn. Đồng thời, phân công cụ thể việc giám sát các bộ. Bộ nào thuộc khối ủy ban nào phụ trách thì giao ủy ban đó giám sát lời hứa, theo dõi việc thực hiện và làm tới cùng” - ông Mão đề xuất.

Làm người đại biểu cao nhất cho dân, thực hiện quyền do dân ủy thác mà thờ ơ, thiếu trách nhiệm với dân là người vô cảm, không còn xứng đáng với sự tin cậy của dân, sớm muộn cũng bị dân bất tín nhiệm. Vì vậy, ĐBQH là người của công chúng, của đại chúng chứ không phải của một giới, một giai tầng nào trong xã hội. ĐBQH đại diện chung cho lợi ích của cả một cộng đồng chứ không phải đại diện “cho nhóm lợi ích” nào cả.

NGUYỄN THỊ HOÀI THU, nguyên Ủy viên Thường vụ QH phụ trách công tác dân nguyện khóa X, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban
Về các vấn đề xã hội của QH khóa XI

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm