Đã nghe đã thấy: Một cách “gần dân”

Đó là khẳng định của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tại hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh 2013 và sơ kết hoạt động quý I “Năm DN 2014”.

Sự vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ không chỉ gây tốn kém cho DN và tạo ra sự bất công, nó còn làm chậm tiến độ của việc kinh doanh do các thủ tục bị cán bộ trì hoãn để chờ DN đáp ứng sự vòi vĩnh. Nó vô hiệu hóa những nỗ lực đơn giản, thông thoáng hóa thủ tục, nó làm giảm khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư. Nhiều người dân và DN biết rõ điều đó nhưng không phải ai cũng mạnh dạn nói ra; nhiều lãnh đạo biết điều đó nhưng không muốn thừa nhận tệ trạng của bộ máy do mình quản lý. Và rồi nó trở thành thông lệ, sự “biết điều” được mặc nhiên chấp nhận.

Thực ra ông Thọ và ông Chiến không công khai số điện thoại thì DN và nhiều người dân vẫn có thể tìm được số máy của họ. Tuy nhiên, khi lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng công khai và khuyến khích DN liên hệ, phản ánh việc tiêu cực với mình, nó tạo ra một không gian tương tác: Tôi muốn và sẵn sàng lắng nghe và sẽ xử lý thông tin ấy. Điều đó xóa đi sự ngại ngần của dân khi muốn trình bày với “quan” những bức xúc của mình.

Lãnh đạo không công khai số điện thoại thì cán bộ dưới quyền họ vẫn biết rằng nhũng nhiễu dân là sai cả về pháp lý và đạo đức. Nhưng với tuyên bố trên, khối người sẽ giật mình: “Biết đâu chuyện vòi vĩnh của mình sẽ đến tai ông Thọ, ông Chiến?”.

Ở đây không phải chỉ là chuyện người dân và DN có thêm một số điện thoại trong danh bạ mà họ có thêm một chỗ dựa để tin rằng mình được hỗ trợ và bảo vệ. Và nữa, nó sẽ bớt đi những tiếng than phiền: Chỉ biết mặt lãnh đạo trên tờ lý lịch ứng viên mỗi mùa bầu cử, còn sau đó thì tìm họ sao khó quá.

Muốn hiểu dân thì phải nghe dân; muốn nghe dân thì phải gần dân. Câu chuyện trên cũng là một cách gần dân rất thiết thực của lãnh đạo TP Đà Nẵng.

ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm