PHÁT TRIỂN ĐẬP THỦY ĐIỆN TRÊN DÒNG CHÍNH SÔNG MÊ KÔNG

Đa dạng sinh học tại ĐBSCL sẽ phải trả giá

Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về hiện trạng đa dạng sinh học của ĐBSCL, các nguy cơ của 12 dự án phát triển thủy điện dòng chính đối với ĐBSCL; thảo luận về trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề phát triển thủy điện dòng chính…

Nhiều người lo ngại, 12 đập thủy điện được đề xuất xây dựng trên dòng chính Mê Kông và bậc thang thủy điện liên hoàn sẽ chia dòng sông thành một loạt hồ chứa liên tiếp và biến hệ sinh thái sông thành các hệ sinh thái hồ mà theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Ủy ban sông Mê Kông (MRC) sẽ “làm suy yếu tính liên kết theo chiều dọc của hệ sinh thái sông Mê Kông, chia cắt hệ sinh thái này thành các đơn vị nhỏ hơn và kém năng suất hơn nhiều”.

Các đại biểu cho rằng thông tin về kế hoạch xây dựng đập thủy điện đã gây nên những mối lo ngại vô cùng sâu sắc về những tác động to lớn và không thể bù đắp của các bậc thang thủy điện trên đối với kinh tế, xã hội, môi trường của Việt Nam và khu vực. Việc có xây dựng đập Xayaburi hay không hiện vẫn chưa ngã ngũ, vì vậy tương lai của hệ sinh thái phong phú nói trên đang đứng trước thách thức to lớn và sẽ vĩnh viễn bị thay đổi nếu việc xây đập được thông qua. Trong đó, ĐBSCL của Việt Nam ở cuối vùng hạ lưu sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập, cảnh báo nguy cơ các đập thủy điện hình thành sẽ đe dọa sự tồn tại của các loài thủy sản, nguồn phù sa cũng bị giữ lại tới 50% tại các hồ chứa khiến ĐBSCL mất đi nguồn dinh dưỡng quý giá trong trồng trọt và tính đa dạng sinh học. Còn TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), lo ngại về nguy cơ hạn hán, xâm thực và sự gia tăng của các cơn bão với đường đi phức tạp, tình trạng xói lở bờ sông sẽ gia tăng.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm