Cung không đủ cầu, dễ nảy sinh tiêu cực

“Ngành y tế hiện nay phải đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh rất lớn của người dân. Khi cung vẫn chưa đáp ứng được cầu thì thế nào cũng có tiêu cực”. Đó là phát biểu của ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2010 và kế hoạch công tác PCTN năm 2011 của Bộ Y tế, tổ chức sáng 23-6.

Viện phí không tăng, khó ngăn được phong bì

Theo ông Quyết, năm 2010, tại BV Việt Đức đã có nhiều biện pháp quyết liệt để PCTN. Trong đó, hai lĩnh vực liên quan chuyển biến rõ nhất là tuyển chọn nhân sự và quản lý thuốc, vật tư tiêu hao, xây dựng cơ sở vật chất. “Tuyển dụng cán bộ có năng lực, có phẩm chất là khâu quan trọng để PCTN. Nhưng khi cán bộ làm việc thì tinh thần, thái độ phục vụ như thế nào, có nảy sinh tiêu cực hay không… những điều này không chỉ làm nghiêm mà được, còn phải lo chế độ đãi ngộ tốt cho anh em nữa” - ông Quyết nói.

Cung không đủ cầu, dễ nảy sinh tiêu cực ảnh 1

Nhu cầu khám bệnh của người dân ngày càng đông dễ xảy ra nhũng nhiễu. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HTD

Ông Quyết cũng nhận định, trong điều kiện viện phí từ năm 1995 đến giờ chưa tăng thì BV nào hoàn thành trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho người dân là nỗ lực rất lớn. “Viện phí như thế mà bác sĩ mổ xong xuôi một ca, rồi người nhà bệnh nhân đưa cái phong bì vài trăm ngàn đồng gọi là bồi dưỡng thì tôi cũng cho là bình thường!” - ông Quyết thẳng thắn.

Năm 2011: Thanh tra bảy bệnh viện

Liên quan đến công tác PCTN, ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, cho biết năm 2010, công tác thanh tra tập trung vào các vấn đề liên quan đến giá thuốc. Cụ thể, Bộ Y tế đã tổ chức ba đoàn thanh tra giá thuốc, ba đoàn thanh tra đấu thầu thuốc tại BV công lập, thanh tra một số đơn vị, doanh nghiệp dược để kịp thời chấn chỉnh công tác phân phối, lưu thông thuốc chữa bệnh… Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, hiệu quả của công tác quản lý giá thuốc năm 2010 thể hiện ở chỗ tốc độ tăng giá của nhóm mặt hàng dược chỉ ở mức hơn 4%, trong khi mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm là 11,7%.

Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết năm 2011, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra 20 đơn vị về tổ chức, thực hiện PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một số đơn vị có lĩnh vực quản lý liên quan trực tiếp đến người dân sẽ được thanh tra là Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý dược, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Tổng Công ty Dược… Ngoài ra, bảy bệnh viện lớn trong cả nước cũng sẽ được tiến hành thanh tra về PCTN là: BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế, BV Lao và bệnh phổi Trung ương Phúc Yên, BV Tâm thần Trung ương I, BV Trung ương 71, BV Tâm thần Trung ương II, BV Việt Nam-Cuba Đồng Hới.

“Ngoài vùng phủ sóng”

Trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết chính cơ quan quản lý nhà nước cũng đang gặp khó khăn khi kiểm tra tình trạng “rút ruột” Quỹ BHYT. “Bộ Y tế được giao quản lý nhà nước về BHYT. Nhưng Quỹ BHYT thì lại được quản lý bởi Hội đồng Quản lý quỹ, do tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phụ trách chính. Tức là nếu đi thanh tra, kiểm tra ở các địa phương thì ngành y tế chỉ kiểm tra về tổ chức, triển khai chính sách BHYT. Còn vấn đề quan trọng nhất là sử dụng tiền quỹ như thế nào thì chúng tôi lại không nắm” - bà Hương cho hay.

Năm dạng sai phạm chủ yếu trong ngành y tế

- Giá bán thuốc cao hơn so với giá kê khai.

- Chưa thực hiện đúng các chế độ thanh toán viện phí và BHYT trong điều trị; lấy thuốc, vật tư của Nhà nước bán ra thị trường.

- Nhũng nhiễu, vòi tiền người bệnh hoặc kê đơn thuốc không hợp lý để hưởng hoa hồng tiền bán thuốc.

- Lạm dụng xét nghiệm trong chẩn đoán nhằm rút ruột BHYT và sai phạm về mua sắm trang thiết bị y tế…

(Theo Kết luận tại Diễn đàn đối thoại quốc tế về PCTN trong lĩnh vực y tế với các nhà tài trợ, tháng 11-2009)

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm