Cử tri TP.HCM kêu về giá cả, tiền lương

Chiều 25-4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) số 1, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tiếp xúc với cử tri quận 4 trước kỳ họp thứ năm QH khóa XIII. Nhiều cử tri bày tỏ sự bức xúc về nhiều vấn đề kinh tế-xã hội được coi là “nóng”, được báo chí phản ánh liên tục trong thời gian qua. Đồng thời, có nhiều ý kiến góp ý cho Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Đất đai sửa đổi…

Cử tri Thân Trọng Hoa (phường 2), bức xúc: “Bấy lâu nay, viện cớ giá xăng thế giới tăng, giá xăng trong nước cũng cứ tăng liên tục, tăng nhiều mà giảm lại nhỏ giọt khiến giá cả tăng theo khiến cuộc sống người dân, nhất là người lao động nghèo, bị ảnh hưởng lớn. Đề nghị Nhà nước can thiệp, tính toán sao đó để người tiêu dùng không bị sốc mỗi khi tăng giá xăng”. Lý giải vấn đề này, Chủ tịch nước nói việc tăng, giảm giá xăng từng thời điểm đã được tính toán khá kỹ và hợp lý. Tuy nhiên, điều làm người dân không cảm thấy thỏa mãn, dẫn đến bức xúc chính là cách điều hành chưa nhất quán, rõ ràng và hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu công khai minh bạch về cách tính giá cả.

Về bất động sản (BĐS), cử tri cho rằng không nên giải cứu cho thị trường BĐS mà cứ để cho thị trường tự giải quyết. “Trước kia BĐS lãi “khủng”, ai cũng biết nhưng có thấy BĐS chia lời cho ai đâu. Nhưng nay làm ăn lỗ lã, họ lại kêu Nhà nước cứu, điều đó thật vô lý! Hãy để thị trường tự điều phối, giá cả BĐS cần trở về giá trị thật của nó, có thế nhiều người thu nhập thấp mới có cơ hội có được căn nhà” - cử tri Nguyễn Văn Tiên (phường 8) ý kiến. Tương tự, cử tri Nguyễn Minh Ngọc (phường 4) nói dù BĐS đã hạ giá nhưng với giá trên 10 triệu đồng/m2 như hiện nay thì người thu nhập thấp khó mà mua được nhà. Do vậy, thay vì giải cứu BĐS, nên dành tiền đó hỗ trợ người mua nhà với lãi suất ưu đãi…

Giải thích việc này, đại biểu Trần Du Lịch nói con số 36.000 tỉ đồng hỗ trợ BĐS là số tiền dành để cho người mua nhà vay, tuy nhiên nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp hiện còn ít quá. “Cái người dân muốn mua thì bên BĐS không có, còn cái họ đang có nhiều thì người dân lại không đủ tiền hoặc không thể mua” - ông Lịch nói.

Cử tri Nguyễn Thành Công (phường 18) nói lương tăng không đủ lo cho cuộc sống một phần là do bộ máy hành chính của ta quá cồng kềnh, số người hưởng lương Nhà nước quá nhiều nên không lương nào tăng cho đủ. “Để có thể cải thiện được mức lương hiện nay chỉ có cách phải tinh giản biên chế vì thực tế còn rất nhiều cán bộ-công chức làm ít hoặc không làm mà vẫn hưởng lương” - ông Công nói.

Chia sẻ vấn đề này, Chủ tịch nước khẳng định có tình trạng người không làm mà vẫn hưởng lương nhưng đây chỉ là số ít. Tuy nhiên, đuổi những người này cũng khó, không phải nói là làm ngay được. “Chúng tôi biết lương tăng không đủ đáp ứng với mức tăng giá cả nhưng để giải bài toán này không phải là điều đơn giản, làm được trong ngày một ngày hai. Một bên là nhu cầu phải sống được bằng lương, bên kia là tổng nguồn thu chỉ có mức độ. Hai điều này có khoảng cách rất lớn, muốn rút ngắn phải có thời gian” - Chủ tịch nước trần tình.

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm