Công khai bản kê khai tài sản cán bộ

Dự thảo nghị định có nhiều điểm mới so với nghị định 37 được ban hành năm 2007, đáng chú ý là bổ sung quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Cụ thể, điều 11 của nghị định 37 chỉ quy định về “quản lý, khai thác, sử dụng bản kê

khai tài sản, thu nhập”, trong khi đó điều 11 của dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung có nội dung về “quản lý, sử dụng và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập”.

Người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội phải công khai

Theo đó, bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình thường xuyên làm việc. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31-12 đến ngày 31-3 của năm sau, nhưng phải đảm bảo thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.

Trong khi đó, bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người đó. Đồng thời, bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, HĐND phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tại kỳ họp.

Cũng theo dự thảo nghị định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì ngoài việc thực hiện công khai bản kê khai được quy định tại nghị định này còn phải công khai bản kê khai do tổ chức đó quy định.

Về căn cứ, điều kiện yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập, dự thảo nghị định bổ sung: Khi thấy cần có thêm thông tin phục vụ việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản thì cũng được xem là căn cứ để ra yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập.

Trước đó, nghị định 37 đã nêu lên hai căn cứ: thứ nhất, khi có kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến hành vi tham nhũng; thứ hai, khi có tố cáo hoặc phản ảnh về vấn đề tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Phải ghi rõ lý do về sự thay đổi tài sản

Để khắc phục tính hình thức trong kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm, dự thảo nghị định quy định: Việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm chỉ thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có sự tăng, giảm thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên hoặc/và khi có thay đổi về tài sản phải kê khai theo quy định.

Đồng thời, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định: Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải ghi rõ lý do về sự thay đổi tài sản so với lần kê khai trước đó. Quy định này được cho là sẽ tăng cường sự nghiêm túc, tính trung thực đối với kỳ kê khai lần đầu; nhấn mạnh ý nghĩa, mục đích đối với việc kê khai bổ sung; tạo cơ sở để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được sự thay đổi về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Nghị định 37 chưa quy định chế tài cụ thể về xử lý cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện việc kê khai hoặc kê khai chậm so với yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cũng như chưa quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp không tổ chức, chỉ đạo việc kê khai tài sản hoặc tổ chức việc kê khai tài sản chậm so với yêu cầu pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Để khắc phục vấn đề vừa nêu, dự thảo nghị định bổ sung các hình thức kỷ luật (để xử lý tùy theo tính chất, mức độ vi phạm) như sau: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương.

Các nội dung trong dự thảo nêu trên còn phải được Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ (tại phiên họp thường kỳ tháng 6-2011) để hoàn chỉnh thêm trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành. 

Theo V.V.THÀNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm