Công bố kết quả thanh tra một loạt vụ việc nghiêm trọng

Dây chuyền Nhà máy thép Phú Mỹ - Ảnh: T.T.D (TTO).
Dây chuyền Nhà máy thép Phú Mỹ - Ảnh: T.T.D (TTO).

Dự án Nhà máy thép Phú Mỹ sai phạm trên 10 tỉ đồng

Kết thúc cuộc thanh tra tại dự án Nhà máy thép Phú Mỹ, dự án có tổng mức đầu tư 135 triệu USD do Công ty Thép Miền Nam làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm lớn.

Cụ thể, việc Công ty Thép Miền Nam lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi không đúng theo quy định của Chính phủ đã làm tăng chi phí của dự án trên 1,4 tỉ đồng. Việc trình duyệt bổ sung tổng mức đầu tư cũng chưa được chủ đầu tư tính toán kỹ nên một số hạng mục bổ sung vào tổng mức đầu tư không sát với nhu cầu thực tế. Có hạng mục đã phát sinh chi phí nhưng sau đó lại không thực hiện đã làm tăng tổng mức đầu tư, chậm tiến độ và gây lãng phí không nhỏ như khoản chi lắp đặt hệ thống cung cấp khí ga 809 triệu đồng.

Ông Mai Quốc Bình - ảnh: Võ Văn Thành (TPO).
Ông Mai Quốc Bình - ảnh: Võ Văn Thành (TPO).

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do nguyên nhân tăng giá thép là "chưa đủ cơ sở và không đúng thực tế", cần được xem xét và loại ra khỏi tổng mức đầu tư số tiền 33 triệu đồng. Trong công tác đấu thầu, chủ đầu tư và nhà thầu cũng có nhiều sai phạm. Do việc chấm thầu chưa chính xác: không giảm trừ giá trị xử lý nền trong xưởng cán số tiền 503,5 triệu đồng; công nhận giá trúng thầu không đúng 63,7 triệu đồng và tính toán sai khối lượng thép số tiền 185,9 triệu đồng tại gói thầu số 28.

Một cán bộ của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trong việc thi công, nghiệm thu thanh toán tại dự án cũng xảy ra nhiều sai phạm như thi công ăn bớt khối lượng so với hợp đồng, đưa thiếu vật liệu vào công trình với số lượng rất lớn: lên tới gần 7,4 tỉ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo xử lý thu hồi cho ngân sách khoản thuế VAT phần giá trị số lượng phát sinh do các nhà thầu Việt Nam thực hiện là trên 9,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, còn một khoản tiền 354,5 triệu đồng là tiền Ban quản lý dự án trích ra, chi vượt so với quy định thì lại không được Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý.

Một điều đáng nói khác là chủ đầu tư đã dễ dãi trong việc nghiệm thu, thanh toán nhiều hạng mục, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình như chấp nhận điều chỉnh một số chỉ tiêu vận hành nhà máy chưa đảm bảo độ chính xác. Theo Thanh tra Chính phủ, nếu theo đúng quy định của hợp đồng thì nhà thầu Danieli phải chịu phạt số tiền 3,5 tỉ đồng (0,5% giá trị hợp đồng).

Tiểu dự án thủy lợi Nam Măng Thít: Bộ chậm, Nhà nước mất tiền Mặc dù là "tiểu dự án" nhưng công trình thủy lợi Nam Măng Thít (Vĩnh Long, Trà Vinh) cũng đã xảy ra rất nhiều sai phạm gây thất thoát không nhỏ ngân sách Nhà nước. Qua thanh tra, đoàn thanh tra đã phải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ đầu tư dự án xuất toán thu hồi hàng tỉ đồng.

Trong số đó có các khoản: 154 triệu đồng do áp dụng đơn giá sai trong phần khối lượng phát sinh gói thầu kè Cái Nhum; 509,5 triệu đồng do nghiệm thu, thanh toán lớn hơn thực tế; trên 1,96 tỉ đồng tiền bảo hiểm xây dựng công trình chủ đầu tư mua nhưng khi thanh toán chưa trừ vào giá trị nghiệm thu cho nhà thầu.

 Một khoản tiền khác lên tới trên 4,6 tỉ đồng do duyệt bổ sung biện pháp thi công đóng cừ đã có trong hồ sơ mời thầu và chi phí thi công tăng thêm 587 triệu đồng do phê duyệt bổ sung biện pháp thi công bảo đảm an toàn giao thông khi thi công kè Cái Nhum cao hơn thực tế. Khoản này đã được Thanh tra yêu cầu chủ đầu tư không được thanh toán cho nhà thầu.

Cũng tại dự án này, một số gói thầu do thiết kế thiếu chính xác nên đã phải điều chỉnh bổ sung, việc bóc tách từ thiết kế có nhiều sai lệch dẫn tới khối lượng thừa 3,6 tỉ đồng và thiếu 4,36 tỉ đồng. Thanh tra cũng đã làm rõ việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp gói thầu SS2, dẫn đến làm tăng giá trị gói thầu và làm thiệt hại cho Nhà nước số tiền 884,75 triệu đồng..

Dự án nhập nhà máy ô tô của VEAM: mức độ sai phạm giảm

Theo như thông báo trước đây của Thanh tra Chính phủ, sai phạm về kinh tế trong dự án đầu tư, xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tải nhẹ và ô tô thông dụng của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), một doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương lên tới hàng chục tỉ đồng nhưng hôm qua, kết quả thanh tra chính thức dự án này lại cho thấy, mức sai phạm nhỏ hơn trước khá nhiều. Trong quá trình thực hiện gói thầu đóng gói, vận chuyển toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị Nhà máy ô tô Samsung về Việt Nam, VEAM đã hào phóng trả thay cho nhà thầu Falcon số tiền 386 triệu đồng chi phí bốc xếp tại cảng. Khi thanh lý hợp đồng, VEAM lại chưa giảm trừ số tiền này.

Theo ông Mai Quốc Bình, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, một sai phạm khác tại dự án là khi thực hiện gói thầu tháo dỡ nhà xưởng, giám sát tháo dỡ tại Hàn Quốc và việc lắp đặt tại Việt Nam, VEAM và nhà thầu Công ty xây dựng và cơ khí đã ký 2 phụ lục hợp đồng giảm phần công việc giám sát tại Việt Nam, đồng thời giảm giá trị 13.000 USD nhưng lại chuyển số tiền này vào phần công việc thực hiện tại Hàn Quốc mà không phát sinh thêm công việc tại Hàn Quốc.

"Việc này không đúng với hồ sơ dự thầu, hợp đồng hai bên đã ký nên chúng tôi yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo VEAM phải giảm trừ khi thanh quyết toán", ông Bình trả lời Báo Thanh Niên như vậy. Ông Bình cho biết thêm, trong việc thực hiện dự án này, lãnh đạo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) phải chịu trách nhiệm liên đới về việc trình chủ trương trong đó xác định tổng mức đầu tư chưa đúng và chưa thẩm định dự án theo yêu cầu của Thủ tướng.

Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, xử lý trách nhiệm lãnh đạo, các cán bộ, cá nhân có liên quan trong các vụ việc trên. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, ông Mai Quốc Bình cũng thừa nhận, mặc dù đã có quy định về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong các vụ việc có xảy ra sai phạm, tiêu cực làm thất thoát, lãng phí tài sản nhưng trong 27 vụ việc mà Thanh tra Chính phủ tiến hành trong năm nay, việc "bóc tách" để xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các đơn vị là chưa thực hiện được.

Cũng trong cuộc họp báo, ông Mai Quốc Bình cho biết, trong năm 2008, Thanh tra Chính phủ sẽ đặt trọng tâm vào việc thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất công, đặc biệt là của các doanh nghiệp lớn của Nhà nước tại các tỉnh, thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ...

Theo ông Bình, hiện nay, diện tích đất sử dụng của các doanh nghiệp trung ương là rất lớn, có giá trị có thể lên tới hàng chục tỉ USD. Tuy nhiên, việc sử dụng đất của các doanh nghiệp lại rất lãng phí, nhất là về tiềm năng khai thác. Ông Bình cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét kỹ tính minh bạch, công khai trong các cơ chế, chính sách giao đất cho các doanh nghiệp. "Hiện nay, ở nơi này, nơi kia, có tình trạng giao đất theo chỉ định, quyền cho ai hay không cho ai được giao đất, thuê đất nằm ở một số ít người lãnh đạo địa phương nên dễ dẫn đến việc chuyên quyền, độc đoán trong các quyết định", ông Bình nói.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường thanh tra trong giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân; việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

MẠNH QUÂN - (Theo Thanh Niên)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm