Công bằng xã hội để phát triển đất nước

Thu nhập tăng

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước có mức thu nhập 3,85 triệu đồng/người/tháng, tăng 37,5% so với năm 2009. DN cổ phần có vốn chi phối của nhà nước, mức thu nhập bình quân của người lao động còn cao hơn, đạt 4,09 triệu đồng/người/tháng, Ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức thu nhập bình quân có thấp hơn, 2,89 triệu đồng/người/tháng, nhưng tăng 29,9% so với năm 2009.

Ở TP.HCM và các địa phương khác, thu nhập bình quân của người dân cũng tăng đáng kể.

Nhìn lại hơn 25 năm đổi mới, đời sống người dân liên tục được cải thiện. Điều này thể hiện rõ qua mức thu nhập bình quân đầu người cả nước không ngừng tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm. Cụ thể, 1999: 295.000 đồng/tháng/người; 2002: 356.000 đồng/người/tháng; 2004: 484.000 đồng/người/tháng; 2006: 636.000 đồng/người/tháng; 2008: 995.000 đồng/người/tháng. Báo cáo của Chính phủ cho thấy thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 1,37 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,9% so năm 2009.

Công bằng xã hội để phát triển đất nước ảnh 1

Giảm nghèo là một trong những giải pháp phát triển đất nước. Ảnh minh họa: BÁ HUY

Ngoài ra, tỉ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm. Năm 2004, tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 18,1%. Đến năm 2009, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 12,3%, trung bình mỗi năm giảm gần 1,2%. Đến năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,85%, xuống còn 10,6%.

Chênh lệch thưởng tết hơn 1.600 lần

Bên cạnh thu nhập tăng, các số liệu thưởng tết cũng cho thấy sự chênh lệch lớn giữa các đối tượng lao động. Năm 2011 ở TP.HCM, mức thưởng tết cao nhất là 532 triệu đồng/người, thấp nhất là 330.000 đồng/người, chênh lệch hơn 1.600 lần. Tại Hà Nội, tiền thưởng tết cao nhất là 72,9 triệu đồng và thấp nhất là 200.000 đồng, chênh lệch gần 365 lần.

Tuy nhiên, tiền thưởng tết mới chỉ biểu hiện một mặt của mức thu nhập. Các nghiên cứu xã hội cho thấy trong những năm gần đây, mức chênh lệch giữa nhóm người có mức thu nhập cao nhất và nhóm người có thu nhập thấp nhất cũng gia tăng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trên phạm vi cả nước, chênh lệch giàu-nghèo tăng từ 8,1 lần năm 2002 đến 8,9 lần năm 2008. Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng gia tăng. Cụ thể, năm 1999, thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 517.000 đồng/tháng/người, ở nông thôn là 225.000 đồng/tháng/người; 2008: 1.605.000-762.000 đồng/người/tháng.

Chênh lệch quá xa về thu nhập làm khoảng cách giàu nghèo tăng, dẫn tới mầm mống mất công bằng xã hội.

Về xóa đói giảm nghèo, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận kết quả giảm nghèo năm 2010 chưa bền vững, tỉ lệ hộ cận nghèo và tái nghèo còn cao. Tỉ lệ hộ nghèo giảm không đều ở các vùng miền trong cả nước. Cụ thể, tỉ lệ nghèo giảm nhanh ở vùng đồng bằng sông Hồng, từ 12,7% xuống còn 7,7%, nhưng giảm chậm ở vùng trung du, miền núi phía bắc, từ 29,4% xuống còn 23,5% trong giai đoạn 2004 đến 2008.

Nhưng mức sống không chỉ được đo qua thu nhập hằng tháng mà còn ở mức tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường… Chính phủ thừa nhận năm 2010, công tác chăm sóc sức khỏe người dân vẫn còn không ít yếu kém; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt. Việc xây dựng đời sống văn hóa chưa tạo được nhiều chuyển biến...

Các nhà nghiên cứu xã hội cảnh báo sự chênh lệch giàu-nghèo gia tăng giữa các nhóm người là mầm móng dẫn tới mất công bằng xã hội, có thể dẫn tới các bất ổn xã hội khác, làm chệch hướng mục tiêu xây dựng đất nước. Đó là điều không mong muốn của các nhà quản lý xã hội.

Những quyết sách

Công bằng xã hội ngày nay được hiểu là mọi người đều được tiếp cận công bằng các cơ hội phát triển, các nguồn lực phát triển; mọi người đều có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về thông tin, giáo dục, y tế, việc làm... Trong phát triển kinh tế nhiều thành phần không thể không xảy ra mất công bằng xã hội. Việc tái lập công bằng xã hội đòi hỏi phải có quá trình với những quyết sách đồng bộ, mạnh mẽ. Đây là vấn đề mà các nhà quản lý phải ưu tiên tính đến.

Trong báo cáo cuối năm, Thủ tướng Chính phủ khẳng định năm 2011, Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ các chính sách và giải pháp để xóa dần bất công xã hội. Đó là việc xây dựng và triển khai Chiến lược an sinh xã hội 2011-2020, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình việc làm giai đoạn 2011-2015. Chính phủ sẽ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, cải tiến chế độ tiền lương, tiếp tục phát triển mạng lưới y tế ở khu vực nông thôn. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 cũng sẽ được triển khai. Chính phủ cũng sẽ chú trọng nâng cao đời sống văn hóa ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, các nhóm xã hội, giữa đô thị và nông thôn…

Như vậy, công bằng xã hội phải được coi là một mục tiêu quan trọng trong phát triển đất nước. Theo dự báo, năm 2011, nền kinh tế nước ta lấy lại đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu. Đầu năm 2011, Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua các văn kiện quan trọng, xác định những định hướng lớn để phát triển đất nước. Đây là những thuận lợi cơ bản, làm tiền đề cho việc đảm bảo công bằng xã hội, đưa cuộc sống người dân đến ấm no, hạnh phúc.

Top 10 quốc gia đạt nhiều tiến bộ về thu nhập

Theo Bản báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) về chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2010 (được tính toán dựa trên thành tựu phát triển trên nhiều lĩnh vực, bao gồm sức khỏe, giáo dục, thu nhập...), Việt Nam đứng thứ tám trên thế giới trong danh sách 10 quốc gia đạt nhiều tiến bộ về thu nhập bình quân đầu người, tăng gấp năm lần. Hàng triệu người Việt Nam thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, những tiến bộ đáng kể về thu nhập vẫn không đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia đứng đầu về những tiến bộ trong phát triển con người nói chung.

QUANG ÂN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2011)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm