Công an xã sẽ được hưởng lương và phụ cấp mới

Theo Pháp lệnh này, Công an xã gồm các chức danh: trưởng công an xã, Phó trưởng công an xã và Công an viên. Công an viên được bố trí theo thôn, xóm, ấp, bản, làng, phum, sóc và bố trí làm nhiệm vụ thường trực tại trụ sở hoặc nơi làm việc của Công an xã.

Công an xã có 14 nhiệm vụ, quyền hạn, trong đó, công an xã tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã…

Công an xã được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách và các trang thiết bị, phương tiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Trưởng Công an xã được hưởng lương và phụ cấp theo qui định của pháp luật. Phó trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng theo qui định của Chỉnh phủ.

Phó trưởng Công an xã, Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng được hưởng trợ cấp một lần.

Các nội dung trên đều nhận được sự nhất trí của các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội trước khi biểu quyết. Tuy nhiên, với qui định, Phó Công an xã, công an viên được hưởng công tác phí vẫn khiến một số ý kiến băn khoăn.

Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền cho rằng, qui định như vậy liệu có ưu ái quá so với các lực lượng khác công tác tại xã. Hơn nữa, theo ông Hiền phải làm rõ đi công tác là như thế nào, đi từ thôn này tới thôn khác có được thanh toán không?

Cách tính công tác phí như thế nào sau đó cũng được Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đặt ra. Cho dù ủng hộ việc có công tác phí nhưng ông băn khoăn, ở những xã miền núi rộng tới 40.000ha, lớn hơn cả một tỉnh đồng bằng, việc tính công tác phí là vấn đề không hề đơn giản.

Về phía ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn không phân tích sâu cách tính, nhưng ông đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét để có chế độ công tác phí, bởi nếu không sẽ rất khó thực hiện các nhiệm vụ.

Về việc Phó trưởng Công an xã, Công an viên được hưởng chế độ khi được cử đi đào tạo, huấn luyện, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, phải làm rõ khái niệm đào tạo. Theo ông, đào tạo phải gắn với chương trình, bằng cấp dù là sơ cấp. Thêm nữa, đào tạo ở đây có thể hiểu là cách làm ngược, tức bổ nhiệm rồi mới thực hiện đào tạo?

Thứ trưởng Khánh Toàn lí giải, để được bổ nhiệm, Trưởng Công an xã phải qua đào tạo 6 tháng, trung cấp trước đó, trong khi Phó Trưởng Công an xã phải được đào tạo 3 tháng. Khái niệm đào tạo, huấn luyện được nói tới trong pháp lệnh là đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.

Phía soạn thảo cũng cho rằng, Phó trưởng Công an xã và Công an viên cần có chế độ khi đi học vì họ vẫn chỉ là dân được hưởng phụ cấp (chưa là công chức). Thực tế họ vẫn là lực lượng lao động tại các gia đình và khi đưa đi học cũng phải có chế độ bồi dưỡng.

Sau những giải thích của phía soạn thảo, Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Công an xã với sự nhất trí cao.

Theo Kim Tân (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm