Công an TP Hà Nội: Không đàn áp người biểu tình

Chiều 2-8, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh nội địa kiêm Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trả lời báo chí về sự việc trên.

Các cuộc biểu tình bày tỏ lòng yêu nước

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết: “Từ sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt phá cáp của tàu Bình Minh 2, ở Hà Nội đã diễn ra tám cuộc biểu tình tự phát vào các sáng Chủ nhật. Số lượng người tham gia đông nhất khoảng 300, lúc thấp nhất khoảng 60 người gồm nhiều thành phần: học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân… Người biểu tình tụ tập trước Đại sứ quán Trung Quốc, hô khẩu hiệu, căng băng rôn, hát các bài ca cách mạng, rồi tuần hành theo các tuyến phố”.

Ông Nhanh nói: “Qua theo dõi, thấy các cuộc biểu tình này biểu thị thái độ yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lấn biển Đông. Khi tuần hành, đại bộ phận bà con chấp hành luật pháp nhưng cũng có một số trường hợp tràn xuống lòng đường, cản trở giao thông”. Chủ trương nhất quán của Công an TP Hà Nội là tuyên truyền, giải thích, vận động. Công an và cả cấp trên không hề chủ trương đàn áp, trấn áp.

“Những cuộc đầu, trước tình cảm yêu nước của bà con, chúng tôi đã để thời gian khoảng 1-2 giờ cho mọi người thể hiện tình cảm, trách nhiệm công dân. Sau đó tuyên truyền, vận động bà con giải tán”.

Công an TP Hà Nội: Không đàn áp người biểu tình ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (giữa) tại cuộc họp báo. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Nghị định 38 năm 2005 quy định việc tập trung đông người phải được đăng ký trước nhưng các cuộc biểu tình kia đều không đăng ký, nên phải cưỡng chế giải tán. Việc cưỡng chế khó khăn nên có lúc phải xốc nách, áp giải. Xe buýt chở người biểu tình về trụ sở công an làm thủ tục kiểm tra giấy tờ, lập hồ sơ, rồi được thả ngay. Cho đến nay, chưa bắt ai cả và không ai bị giữ qua đêm. “Tại chỗ làm việc có nước uống đàng hoàng. Người không có tiền còn được bố trí 50.000 đồng xe ôm về nhà” - Trung tướng Nhanh nói.

Không giám định được clip “đạp người biểu tình”

Việc bốn cảnh sát khiêng anh Nguyễn Chí Đức lên xe buýt ngày 17-7 đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội xác minh là có thật. Lý do là trước đó, anh Đức tham gia biểu tình có thái độ chống đối, ngồi bệt xuống đường, cảnh sát buộc phải khiêng lên xe.

Riêng về hình ảnh anh Đức bị đạp vào mặt, Công an TP Hà Nội cho biết đoạn clip được phát đi từ máy chủ đặt ở nước ngoài nên không thể giám định là video thực hay dàn dựng. Mặt khác, những clip như vậy không được ghi chép, thu thập theo thủ tục luật định nên không đủ cơ sở làm căn cứ tố tụng. Cơ quan điều tra phải hỏi thêm những người liên quan.

Trong bản tường trình với cơ quan điều tra, anh Đức nói chỉ bị xô đẩy, không bị đánh, không bị thương tích, sức khỏe bình thường và không khiếu kiện gì. Bệnh viện đã khám, kết luận không phát hiện thương tích, tổn thương nào. Còn Đại úy Phạm Hải Minh, Công an quận Hoàn Kiếm, người mặc thường phục, xuất hiện trong clip với hình ảnh đạp vào mặt người đang được khiêng lên xe, thì tường trình rằng lúc đó đang giơ chân bước xuống chứ không phải là đạp vào mặt anh Đức.

Với kết quả thu thập nêu trên, Công an TP Hà Nội kết luận: “Không có căn cứ xác định anh Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc gây hấn ở biển Đông ngày 17-7”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Nhanh cho rằng trong sự việc trên, dù thế nào những người làm nhiệm vụ cũng phải rút kinh nghiệm. “Công an Hoàn Kiếm có khuyết điểm. Tôi đã nói trong nội bộ là nếu người ta đã lăn xuống đất hoặc bỏ đi rồi thì thôi, việc gì phải khênh lên như thế. Tôi đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác đồng chí Minh, kiểm điểm, rút kinh nghiệm những đồng chí liên quan. Vụ này Công an TP Hà Nội đã rút kinh nghiệm, đồng thời nghiêm khắc phê bình các đồng chí trong tổ công tác này”.

Trung tướng Nhanh cũng cho biết sẽ có văn bản trả lời chính thức với những người đã có đơn yêu cầu gửi giám đốc Công an TP Hà Nội xác minh về sự việc này.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm