Coi chừng đua nhau dự toán sai để lấy thưởng

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) nhận định: Dự báo vẫn còn làm theo cách địa phương đăng ký rồi trình Chính phủ phê duyệt. Do đó thu, chi ngân sách thời gian qua đều tăng, dự báo sai số lớn. “Vậy mà Chính phủ vẫn dành 1.500 tỷ đồng để thưởng cho các địa phương thu ngân sách vượt kế hoạch. Nếu công tác dự toán cứ như thế, Chính phủ vẫn cứ thưởng thì coi chừng dễ dẫn đến việc các địa phương đua nhau dự toán sai để được thưởng” - ông Sơn cảnh báo.

Ông Chu Sơn Hà (Hà Nội) cung cấp thêm: Dự báo giá dầu tăng cao nhưng thực tế lại giảm rất mạnh. Ngay cả năng lực khai thác dầu, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo sát mà vẫn sai hàng triệu tấn. “Đề nghị Chính phủ phải dự toán nguồn thu, chi ngân sách sao cho đúng và đủ. Có hiện tượng nhiều địa phương dự toán thu thấp hơn một chút so với thực tế. Sau đó, nếu tăng thu được thì đương nhiên sẽ có thưởng”.

Coi chừng đua nhau dự toán sai để lấy thưởng ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Rất khó giải thích

Mới nhìn vào con số thu, chi năm 2009 thì đúng là khó giải thích (dự toán giảm thu 30-60 ngàn tỷ đồng, kết quả là tăng thu 750 tỷ đồng nhưng vẫn bội chi ngân sách 6,9% - PV). Chúng ta vượt thu nhưng chủ yếu nằm ở địa phương, địa phương nào tăng thu thì trung ương không lấy về nhưng vẫn phải bù cho các địa phương thu không đạt. Thu từ dầu thô không đạt như dự toán trong khi chi cho các chính sách an sinh xã hội mới, trung ương cũng phải chịu, vậy nên bội chi mới cao.

Năm 2010, áp lực tăng chi rất lớn mà thu ngân sách lại khó. Chính phủ đề nghị bội chi là 6,5%, các đại biểu đề nghị chỉ 6% (giảm bội chi 0,5% tương đương 9.700 tỷ đồng) thì chỉ có cách là tăng thu hoặc giảm chi. Nếu tăng thu thì phải tăng vào địa phương, còn giảm chi thì sẽ ăn vào tiền lương, an sinh xã hội.

Coi chừng đua nhau dự toán sai để lấy thưởng ảnh 2Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM): Sao vẫn có tiền xài?

QH đồng ý mức bội chi 7% cho năm 2009 là trong điều kiện ngân sách giảm thu 30-60 ngàn tỷ đồng như dự tính của Chính phủ. Nhưng thực tế tăng thu 750 tỷ đồng mà vẫn bội chi 6,9%. Vậy Chính phủ đã chi vào đâu, có vượt ra ngoài các khoản chi đã được QH quyết không... cần làm rõ. Năm 2010 chỉ chấp nhận bội chi ở mức 6% thôi, không thể lên 6,5% được. Chi thiếu hiệu quả sẽ kéo theo lạm phát.

Năm 2009, QH cho phép Chính phủ phát hành 36.000 tỷ đồng trái phiếu, sau đó Chính phủ xin tăng thêm 20.000 tỷ đồng nữa cũng được QH đồng ý. Kết quả là không phát hành trái phiếu được nhưng Chính phủ vẫn có tiền đầu tư. Đi vay không được mà vẫn có tiền xài, chứng tỏ kiểm soát dòng tiền không tốt.

LÊ KIÊN - THÀNH VĂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm