Có tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu

Tại phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới do Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức ngày 7-1, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng thực trạng buôn lậu hiện nay chưa gây tác hại đến mức “phá hoại cả nền kinh tế” mà chỉ mới ở mức “gây tác động tiêu cực” mà thôi.

Hàng lậu mua đâu cũng có

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Sỹ Cương (Ủy ban Pháp luật), hiệu quả trong công tác phòng, chống buôn lậu thời gian qua rất hạn chế. Bằng chứng là hiện nay, ở đâu, bất kỳ chỗ nào người dân cũng dễ dàng mua được hàng lậu từ cái nhỏ đến cái lớn, trong đó có những mặt hàng như thuốc lá, tỉ lệ là hàng lậu chiếm đến 85%. “Quản lý thị trường (QLTT) như vậy là vô hiệu và chừng nào còn sự vô hiệu đó thì còn đất sống cho buôn lậu” - ông Cương nói.

Đánh giá về tác hại của buôn lậu, ĐB Trần Du Lịch (Ủy ban Kinh tế) cho rằng nó đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam và làm mất niềm tin cho tất cả doanh nghiệp. Nếu cứ phòng, chống buôn lậu ở mức “bắt những người mang vác thuê nhỏ lẻ” thì khó mà chống buôn lậu được hiệu quả” - ông Lịch nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết rõ quan điểm về những tác hại mà buôn lậu gây ra. Đồng thời, thời gian tới sẽ có kiến nghị, giải pháp gì để tạo ra sự chuyển biến mới trong công tác phòng, chống buôn lậu.

 
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị QH cho phép lực lượng chống buôn lậu được tiếp tục trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm. Ảnh: TV

Dẫn chứng rằng “hàng sản xuất trong nước vẫn áp đảo hàng lậu”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định tác hại của buôn lậu chưa đến mức “phá hoại nền kinh tế” như ĐB Lịch nói mà mới chỉ dừng ở mức “gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế”. Tuy nhiên, ông Hoàng thừa nhận do lực lượng còn mỏng, trang bị phương tiện chưa đầy đủ nên việc chống buôn lậu hiện nay rất bị động, chạy theo vụ việc. “Muốn giải quyết thì phải đánh vào đầu nậu, đường dây. Phải trinh sát, đánh mạnh vào đầu nậu chứ cứ xử lý người mang vác nhỏ lẻ thì ý nghĩa không có nhiều” - ông Hoàng nói.

Chắc chắn có tiêu cực

Đề cập về nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, hầu hết các ĐB đều cho rằng có tiêu cực trong lực lượng phòng, chống buôn lậu. “Thời gian qua, tôi nhận được rất nhiều khiếu nại, tố cáo của người dân về những tiêu cực trong lực lượng QLTT. Họ cho rằng chính lực lượng QLTT đang tiếp tay cho buôn lậu. Vậy xin hỏi bộ trưởng, trong thời gian qua QLTT đã bắt được bao nhiêu vụ buôn lậu? Số vụ đó liệu có tương xứng với số tiền ngân sách Nhà nước bỏ ra để nuôi một đội ngũ hơn 5.000 người không?” - ĐB Đỗ Văn Đương (Ủy ban Tư pháp) chất vấn.

Nhắc lại một số vụ việc như thuốc lá lậu được tập kết, bốc xếp ngay tại điểm chốt của lực lượng biên phòng, hay vụ tàu của Công ty TNHH Hoàng Sơn buôn lậu xăng, dầu bị bắt, ĐB Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ sự hoài nghi đã có tiêu cực, bao che cho buôn lậu hoạt động. “Tại sao chiếc tàu đó đã bị bắt vì buôn lậu, sau đó khi Nhà nước đem bán thanh lý thì chính đơn vị trên mua được, rồi đem đi chở hàng lậu cho đến khi bị bắt lại?” - ông Cương hỏi.

Thừa nhận “chắc chắn là có tình trạng tiêu cực trong hoạt động phòng, chống buôn lậu” nhưng ông Hoàng cho rằng đó chỉ là số ít chứ nếu không thì khó mà đạt được những kết quả như vừa qua. “Từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xử lý hơn 800.000 vụ buôn lậu, buôn bán hàng giả, trong đó lực lượng QLTT xử lý hơn 289.000 vụ và chuyển cho công an xem xét, khởi tố hàng chục vụ nghiêm trọng” - ông Hoàng cho biết thêm.

Một nguyên nhân nữa khiến cho công tác phòng, chống buôn lậu chưa được hiệu quả được ông Hoàng nêu ra là do lực lượng QLTT còn mỏng. Tính chung cả nước hiện chỉ có 5.200 cán bộ QLTT, bình quân một địa phương chưa đến 100 người. “Từ năm 2008, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và Bộ Nội vụ đề nghị tăng thêm khoảng 1.000 người nữa cho các địa bàn trọng điểm nhưng vẫn chưa được chấp thuận” - ông Hoàng nói.

Để công tác phòng, chống buôn lậu được hiệu quả, theo ông Hoàng cần tăng cường các giải pháp nâng cao năng lực thực thi công vụ của các lực lượng chức năng, trong đó tăng cường kiểm tra nội bộ, chống hiện tượng tiêu cực, bảo kê cho buôn lậu. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng đề án nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo hướng giao cho một bộ chịu trách nhiệm chính, tránh chồng chéo, bỏ trống hoặc không ai chịu trách nhiệm.

THÀNH VĂN

Xin được để lại một phần tiền phạt

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tới đây các lực lượng chức năng chống buôn lậu sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Lý do là theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống buôn lậu sẽ không còn được để lại cho lực lượng chống buôn lậu mà phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị QH cho phép được tiếp tục trích một phần kinh phí từ nguồn thu phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm để chi hỗ trợ cho lực lượng chống buôn lậu.

Loại khỏi ngành những cán bộ làm ngơ cho buôn lậu

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện ngày 19-12-2013 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là từ nay đến tết Giáp Ngọ.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các địa bàn trọng điểm để ngăn chặn và phát hiện, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm… Đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết (cách chức, điều chuyển, loại ra khỏi ngành) đối với cá nhân có biểu hiện tiếp tay hoặc làm ngơ để hoạt động buôn lậu diễn ra trên địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm