Cơ hội nâng cao vị thế Việt Nam

Từ tháng 1-2008, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) nhiệm kỳ 2008-2009. PV đã trao đổi với Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về dấu mốc này:

. Việc trở thành thành viên không thường trực HĐBA có ý nghĩa như thế nào, chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ra sao, thưa ông?

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh+ Việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thể hiện sự hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế quốc tế, còn việc ta tham gia làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ thể hiện sự tham gia đầy đủ của ta vào đời sống chính trị quốc tế. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Song nhìn về tổng thể thì cơ hội nhiều hơn. Để tận dụng hết cơ hội này, tôi muốn nhắc tới một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”.

Chúng ta sẽ tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình hoạch định, triển khai các quyết định của cơ quan này, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giữ vững môi trường ổn định, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mặt khác, ta sẽ huy động sức mạnh tổng hợp, trí tuệ chủ động đóng góp vào chương trình nghị sự của HĐBA. Qua đó thể hiện chính sách hòa bình, hợp tác, thiện chí và năng lực hoạt động quốc tế của mình, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông qua việc tham gia cùng các nước lớn, các nước có vị trí và vai trò quan trọng cùng giải quyết các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế, chúng ta sẽ tạo dựng thêm một kênh quan trọng để tăng cường quan hệ song phương về mọi mặt.

. Thưa ông, khi trở thành thành viên không thường trực của HĐBA, chủ trương của ta trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ sẽ như thế nào?

+ Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là cơ chế đặc biệt được LHQ thành lập từ năm 1948 dựa vào lực lượng do các nước thành viên đóng góp, đặt dưới sự chỉ huy của LHQ nhằm hỗ trợ giải quyết xung đột ở các khu vực thể theo những quy định về an ninh tập thể của Hiến chương LHQ.

Việt Nam đã đóng góp tài chính cho hoạt động của LHQ trong việc thiết lập hòa bình tại các điểm nóng trên thế giới. Hiện ta đang hoàn tất quá trình chuẩn bị liên quan đến việc tham gia một cách có hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.

. Chủ trương của chúng ta trong việc tham gia giải quyết các vấn đề Myanmar, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên như thế nào?

+ Chúng ta có quan hệ hữu nghị truyền thống với cả Myanmar, Bắc Triều Tiên..., chúng ta có khả năng thúc đẩy quá trình tăng cường đối thoại, và sẵn sàng đóng vai trò tích cực để đi đến các giải pháp hòa bình. Việt Nam có kinh nghiệm tham gia các cuộc đàm phán đa phương kéo dài nhiều năm và đã đạt nhiều thành tựu xây dựng đất nước sau chiến tranh nên chúng ta sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong những vấn đề trên.

. Việt Nam có tiếp tục sẵn sàng làm cơ sở trung gian đàm phán, hòa giải cho những vấn đề chính trị quốc tế?

+ Chúng ta sẵn sàng đóng góp tích cực cho việc giải quyết các cuộc xung đột quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình. Trong đó có biện pháp hỗ trợ hoặc trực tiếp làm trung gian hòa giải giữa các bên xung đột dựa trên cơ sở đồng thuận của các bên liên quan và tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi.

. Xin cám ơn Thứ trưởng!

LINH XUÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm