Chứng chữ ký: Vẫn rối!

Tại hội nghị giao ban công tác chuyên đề chứng thực do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức ngày 18-7-2014, đại diện các phòng tư pháp quận, huyện trên địa bàn TP nêu nhiều thắc mắc liên quan đến công tác chứng thực chữ ký, bản sao...

Ai chứng ủy quyền khiếu nại?

Ông Lâm Tấn Trí, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Chánh, kể: Cách đây ít ngày có người dân cầm giấy ủy quyền cho người khác đại diện họ đi khiếu nại đến yêu cầu UBND xã chứng thực chữ ký. Người này cho biết là họ có đến phòng công chứng nhưng bị từ chối và phòng ấy chỉ họ về UBND xã. Ngặt nỗi UBND xã chẳng biết đường làm và UBND huyện cũng chẳng biết cách hướng dẫn! Bởi lẽ trước đây, UBND cấp xã được chứng thực chữ ký “giấy ủy quyền đi khiếu nại” nhưng nay Luật Khiếu nại không quy định việc này nữa mà chỉ nói là người khiếu nại có quyền cử đại diện.

Ông Trí còn kể thêm một tình huống khó xử: Ở Bình Chánh có nhiều trường hợp cho người khác mượn giấy tờ đi làm việc. Mới rồi, ông A làm giấy cam đoan có nội dung là năm 2008 có cho ông B mượn giấy tờ để xin việc và làm bảo hiểm. Nay ông A cho biết không tranh chấp hay khiếu nại gì về việc hưởng bảo hiểm xã hội của ông B. “Với giấy cam kết đó thì có thể chứng thực chữ ký nhưng giao dịch như thế không hợp pháp. Lỡ khi phát sinh tranh chấp thì người chứng thực chịu trách nhiệm ra sao?” - ông Trí băn khoăn.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thảo, Phó phòng Tư pháp quận 2, cũng có nỗi lo tương tự: “Đúng là chứng thực chữ ký trong cam kết nhưng nội dung cam kết đó là giao dịch mua bán, bảo lãnh mà theo quy định thì phải làm thủ tục khác. Chứng thực vậy có ổn không?”.

Bà Tăng Thị Nga, Phó phòng Tư pháp quận 6, góp thêm một trường hợp: “Có người dân đề nghị chứng thực chữ ký trong bản tờ khai nhân chứng khiến phường lúng túng. Lâu nay, phường chỉ chứng các văn bản đơn thuần là lời trình bày, tường trình nội dung kèm theo cam kết. Thế mà tờ khai trên lại là dạng hỏi đáp: Bà B quen ông A năm nào, ở đâu, quen bao lâu?... rồi cuối cùng cam kết lời khai là đúng. Thấy lạ nên phường không dám chứng và phải “cầu cứu” Sở Tư pháp”.

Ngán ngại giấy giả “bủa vây”

Theo các phòng Tư pháp, gần đây giấy tờ giả không chỉ rộ lên ở các cơ quan công chứng mà còn “tấn công” cả UBND. Chủ yếu đó là văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ hộ tịch, nhà đất ...

Phòng Tư pháp quận Gò Vấp cho biết họ đã phát hiện 178 trường hợp văn bằng, chứng chỉ giả. Khi đến khám xét xe, nhà của đối tượng vi phạm, công an phát hiện thêm nhiều giấy tờ giả khác như giấy đỏ, giấy hồng, văn bằng, chứng chỉ...

Đại diện Phòng Tư pháp quận 10 tâm sự: “Sợ nhất là sao y nhầm CMND giả, mất ăn mất ngủ vì nó!”. Trước đây, ông có sao y nhầm một CMND giả và người chủ CMND đó được một công ty nhận vào làm thủ kho. Một thời gian sau, anh ta rinh kho hàng đi mất. Khi công an xem xét đến CMND mà ông sao y thì mới biết đó là giả. Ông lưu ý loại văn bằng, chứng chỉ được làm giả phổ biến hiện nay rơi vào các ngành xây dựng, cầu đường, công nghệ thông tin...

Theo đại diện Phòng Tư pháp quận 5, có ba nguyên nhân dẫn đến việc giả mạo các loại giấy tờ về hộ tịch và đề nghị các nơi có sự cân nhắc khi sao y. Đó là bản chính giấy tờ về hộ tịch như khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha mẹ con... được giao cho nhiều cơ quan cấp như UBND xã, huyện, Sở Tư pháp. Điều này đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải vững nghiệp vụ chuyên môn để phân biệt về thẩm quyền cấp giấy. Ngoài ra, việc thay đổi, luân chuyển cán bộ hộ tịch nhiều dẫn đến sự xáo trộn trong lưu trữ, kinh nghiệm về lĩnh vực này có phần bị hạn chế. Tiếp nữa, khi ký xác nhận, chứng thực thì cán bộ còn sợ trách nhiệm. Trong việc sao y, có quận thì cán bộ ủy ban đối chiếu bản chính rồi trả lại cho người dân, lãnh đạo chỉ ký trên bản sao. Song cũng có quận giữ lại bản chính để trình lãnh đạo ký.

KIM PHỤNG

Giấy cam kết nào được chứng thực?

Văn bản số 2340 ngày 9-5-2014 của Sở Tư pháp TP.HCM có hướng dẫn đối với việc chứng thực chữ ký trên giấy cam kết tài sản riêng của vợ hoặc chồng; cam kết tái xác nhận việc cha, bán đất trước 1-6-2004 hoặc tường trình cam kết các sự kiện pháp lý... Theo Điều 121 Bộ luật Dân sự thì hành vi cam kết như trên không phải là hành vi xác lập giao dịch dân sự nên được chứng thực chữ ký.

Bản án, lý lịch tư pháp có được sao y?

Đối với bản án của tòa, có được chứng thực bản sao từ bản chính hay phải đến các cơ quan cấp bản chính xin trích lục? Theo ý kiến của Phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM, các giấy tờ, văn bản không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định 79/2007 thì cơ quan có thẩm quyền chứng thực đều có thể chứng thực bản sao từ bản chính. Cụ thể, Điều 16 quy định các loại giấy tờ sau đây không được chứng thực bản sao từ bản chính: Bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc giả mạo; bản chính đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung; các giấy tờ, văn bản khác mà pháp luật quy định không được sao…

Lý lịch tư pháp cũng được xử lý tương tự. Trước đây, theo Thông tư liên tịch 07/1999 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an thì phiếu này chỉ có một bản chính, không được phép sao. Nay thông tư này đã hết hiệu lực mà các văn bản pháp luật hiện hành không quy định phiếu này không được sao y nên các cơ quan có thể chứng thực bản sao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm